Ảnh: Freepik
Khi uống thuốc, một trong những điều quan trọng nhất là xem xét loại thực phẩm sẽ tiêu thụ cùng với thuốc đó. Bởi vì giữa chúng có thể xảy ra tương tác lẫn nhau, dẫn đến những thay đổi về sự chuyển hóa thực phẩm hoặc thuốc, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, hiệu quả của thuốc cũng như nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Trước đây, capsaicin- hợp chất khiến ớt có vị cay nóng- được chứng minh gây ra những tác dụng tiêu cực đối với sự tuần hoàn một số loại thuốc, chẳng hạn như galantamine (điều trị mất trí nhớ) và simvastatin (hạ mỡ máu).
Vì vậy, để xác định tác dụng chống tăng đường huyết của capsaicin và những phản ứng tiềm tàng giữa hợp chất này với thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 gliclazide, nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Jawaharlal Nehru đã thực hiện thí nghiệm đối với chuột bạch và thỏ trắng mắt đỏ, bao gồm những con bị tiểu đường và bình thường. Chúng được chia thành 5 nhóm: nhóm kiểm soát bình thường, kiểm soát tiểu đường, gliclazide, capsaicin và gliclazide & capsaicin. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng các nồng độ đường huyết, insulin và gliclazide để đánh giá tác dụng chống tăng đường huyết và các phản ứng. Kết quả cho thấy capsaicin có đặc tính chống tăng đường huyết hiệu quả ở những con chuột và thỏ bị tiểu đường. Cụ thể, đường huyết của chúng giảm, trong khi nồng độ insulin và chức năng tế bào beta tăng.
Ngoài ra, capsaicin cũng không có tác dụng hạ đường huyết đối với những con chuột khỏe mạnh, không như thuốc gliclazide. Nghiên cứu còn nhận thấy điều trị những con vật này bằng thuốc gliclazide lẫn chất capsaicin đã làm giảm đáng kể nồng độ đường huyết, tăng mạnh nồng độ insulin và chức năng tế bào beta. Điều này cho thấy gliclazide và capsaicin có những hiệu ứng đồng vận.
Những phát hiện trên chỉ ra rằng ớt có thể được sử dụng làm thảo dược điều trị tiểu đường. Thậm chí nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường, ăn ớt cũng có lợi cho sức khỏe, bao gồm giảm đau, giảm cân, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện hệ miễn dịch.
m Trong diễn biến liên quan, Bộ Y tế Nam Phi đang nghiên cứu đề xuất quy định bắt buộc dán nhãn cảnh báo tác hại đối với sức khỏe trên các gói thức ăn nhanh
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch "Liên minh sống lành mạnh", Giám đốc Cơ quan Dinh dưỡng – Bộ Y tế Nam Phi, Lynn Moeng cho biết dán nhãn cảnh báo đối với thức ăn nhanh sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được thành phần thực phẩm được đóng gói, bởi tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh dễ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là béo phì và tiểu đường.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, khoảng 28,3% người trưởng thành ở Nam Phi bị béo phì. Đây là tỷ lệ béo phì cao nhất trong số các nước phía Nam sa mạc Sahara châu Phi. Bộ Y tế Nam Phi dự kiến sẽ đưa ra các quy định dán nhãn cảnh báo tác hại về sức khỏe đối với thức ăn nhanh vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
Ý tưởng dán nhãn cảnh báo đối với thức ăn nhanh trở thành vấn đề quốc tế bởi một số nhà lập pháp cho rằng để giải quyết tỷ lệ béo phì cao, giáo dục nhận thức sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Tháng 10-2018, tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về chống đói và suy dinh dưỡng, khoảng 200 nhà lập pháp từ 80 quốc gia đã bị chia rẽ về biện pháp cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh gây ra.
Để hạn chế các hoạt động khuyến khích trẻ em tiêu thụ thức ăn nhanh, một số nước, chẳng hạn như Chile, đã nghiêm cấm quảng cáo trên truyền hình, Internet, sử dụng đồ chơi, phim hoạt hình hoặc nhãn dán đối với các sản phẩm thực phẩm không lành mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dán nhãn cảnh báo đối với thức ăn nhanh sẽ tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng. Vấn đề càng phức tạp hơn bởi chính phủ nhiều nước đã áp dụng thuế đối đồ uống có đường, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo.