"Đừng bỏ qua các triệu chứng nhồi máu cơ tim khi đi du lịch, hãy giữ số khẩn cấp trong tầm tay" là thông điệp từ một nghiên cứu vừa được trình bày tại hội nghị Acute Cardiovascular Care 2019 của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC).
Theo nhóm nghiên cứu này, đứng đầu bởi tiến sĩ Ryota Nishio (Bệnh viện Đại học Juntendo ở Shizuoka, Nhật Bản), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong tự nhiên hàng đầu ở những người đi du lịch.
Các tác giả đã thu thập dữ liệu suốt 16 năm, từ 2.564 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được điều trị khẩn cấp bằng cách đặt stent (can thiệp mạch vành qua da) ở bệnh viện này, vốn là một trung tâm can thiệp mạch vành lớn ở Nhật Bản.
Kết quả cho thấy có tới 7,5% bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim trong chuyến du lịch, nhiều hơn hẳn các hoàn cảnh khác. Đáng chú ý nhất là tỉ lệ mắc nhồi máu cơ tim khi đi du lịch ở người trẻ cao hơn người lớn tuổi. Người trẻ cũng dễ mắc một dạng nghiêm trọng của tai biến gọi là STEMI (ST-elevation myocardial infarction).
Tin mừng duy nhất là người bị nhồi máu cơ tim khi đi du lịch, đã được cứu sống, sau này nguy cơ chết trẻ vì các tai biến sức khỏe thấp hơn đến 42% những người nhồi máu cơ tim trong hoàn cảnh khác, nếu được điều trị kịp thời. Bác sĩ Nishio cho rằng khi bị nhồi máu cơ tim trong chuyến đi chơi, bệnh nhân dễ cảm thấy chấn động hơn, thay đổi nhận thức sức khỏe tích cực hơn sau khi qua cơn nguy biến và được trở về nhà.
Bác sĩ Nishio cảnh báo: "Nếu bạn đang đi du lịch và gặp các triệu chứng nhồi máu cơ tim như đau ở ngực, cổ họng, cổ, lưng, dạ dày hoặc vai kéo dài hơn 15 phút, hãy gọi xe cứu thương- không chậm trễ".