GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, cho biết trong các năm từ 2017-2019, nhà nước đã thực hiện chi trả bồi thường cho 6 trường hợp tai biến nặng.
Đây là những trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân và phản ứng với vắc-xin do cơ địa của trẻ. Việc bồi thường các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được dự án TCMR đã thực hiện đúng theo các quy định của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP.
Trước khi tiêm chủng, các bà mẹ đều được tư vấn về nguy cơ phản ứng quá mẫn của trẻ với vắc-xin. Ảnh chỉ có tính minh hoạ
Theo GS Đức Anh, vắc-xin ComBE Five sau khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam và cho phép sử dụng trong chương trình TCMR, vắc-xin này đã được triển khai tại 7 tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu trong tháng 10 và tháng 11 năm 2018 và triển khai trên toàn quốc từ tháng 12-2018. Đến thời điểm hiện tại đã có trên 360.000 liều vắc-xin ComBE Five được sử dụng.
Qua theo dõi và báo cáo của các địa phương, tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five cũng tương tự như vắc-xin Quinvaxem đã sử dụng trước đây và nằm trong tỉ lệ đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Các trường hợp tai biến nặng cũng đã được hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân, những nguyên nhân này cũng giống như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới bao gồm trùng hợp ngẫu nhiên, phản ứng của vắc-xin và cũng có trường hợp không rõ nguyên nhân và đã được báo cáo theo quy định.
Theo GS Đức Anh, cũng giống như thuốc, không có một loại vắc-xin nào sau khi tiêm chủng lại không có phản ứng dù không mong muốn. Sau tiêm vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five, trẻ có thể sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, đây là những phản ứng thông thường với tỉ lệ tới 50%, nhưng cũng có thể gặp phản ứng nặng như sốt cao, co giật, phản ứng phản vệ với tỉ lệ 20/1 triệu liều tiêm, các trường hợp này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
"Trên thực tế, có trường hợp trẻ tiêm cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc-xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc-xin chứ không phải do chất lượng vắc-xin. Ngoài ra, có thể gặp những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác trong thời điểm tiêm chủng, hầu hết đối tượng tiêm chủng là trẻ nhỏ, giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh"- GS Đức Anh giải thích.
Năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Theo nghị định trên, nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo đó, trường hợp được bồi thường gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng gây khuyết tật; người tiêm chủng bị tử vong. Trường hợp tai biến do tiêm chủng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.
Với trường hợp người tiêm chủng bị thiệt hại đến tính mạng, mức hỗ trợ gồm: Các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở; chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định. Các trường hợp bị tai biến sau tiêm chủng sẽ có hội đồng xác định nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm; hội đồng bồi thường phản ứng sau tiêm để xem xét các yếu tố cần được bồi thường. Kinh phí bồi thường tai biến sau tiêm chủng từ nguồn ngân sách và cơ quan y tế.