Các sản phẩm ma tuý đá được bào chế dưới nhiều dạng
Theo Bộ Y tế, tính đến đầu năm 2018, cả nước có hơn 220.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng rất nhanh. Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho thấy tại 21 địa phương có thống kê, tỉ lệ người dùng ma túy tổng hợp là hơn 15.000 người chiếm tới gần 50% tổng số người nghiện ma túy. Đặc biệt, có một số địa phương có tỉ lệ trên 80% như: Trà Vinh 90,7%; Đà Nẵng 86%; Quảng Trị 84%...
Bộ Y tế cho biết trước đây cai nghiện các loại ma tuý truyền thống (như heroin), việc cai nghiện thường sử dụng thuốc cắt cơn, nhưng với cai nghiện ma túy tổng hợp (ma tuý đá) không có thuốc hỗ trợ. Người bệnh "cai chay" hoàn toàn, dựa vào phương pháp hỗ trợ tâm lý, nâng đỡ tinh thần. Theo phác đồ mới này, các loại ma tuý tổng hợp như: Methamphetamin, Estasy, Ketamine (còn gọi là ma tuý đá, thuốc lắc...) khi dùng quá liều gây kích thích mạnh mẽ, khiến bệnh nhân kích động, run, tăng nhịp tim, có hành vi tấn công, lú lẫn, ảo giác, tiêu cơ vân, co giật, hôn mê và tử vong.
Nghiên cứu cho thấy có đến 58% người nghiện ma túy đá (Methamphetamine) có triệu chứng trầm cảm và lo âu. Nhiều người nghiện ma tuý đá bị hoang tưởng, áo giác bị truy sát. Bộ Y tế cho biết rối loạn sử dụng chất là một bệnh lý phức tạp nhưng có thể điều trị được. Các can thiệp cần tuân thủ nguyên tắc điều trị.
Với phác đồ này, người nghiện ma tuý đá sẽ được can thiệp bằng thuốc và điều trị tâm lý, xã hội
Với phác đồ Bộ Y tế vừa ban hành, bên cạnh việc can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc ma túy tổng hợp cai nghiện thì việc điều trị còn được hỗ trợ bằng thuốc. Theo đó, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân hiểu về sự độc hại của ma túy tổng hợp, giúp bệnh nhân thiết lập mục tiêu cuộc sống và hoạt động có ý nghĩa để thay thế việc sử dụng ma túy. Giúp bệnh nhân tập trung, phát triển những điểm tốt của bản thân để thêm quyết tâm cai nghiện.
Theo Bộ Y tế, nghiên cứu về hiệu quả điều trị ma túy tổng hợp nói chung còn hạn chế. Một số loại thuốc như D-amphetamine, bupropion, mirtazapine và naltrexone có thể làm giảm lượng ma túy sử dụng. Trường hợp bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp (còn gọi là ngáo đá), bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống loạn thần.
Sau khi gây tai nạn liên hoàn chiều 14-3 tại Đà Lạt, thanh niên vẫn ngồi trong xe với biểu hiện "ngáo đá" - Ảnh: Đình Thi
Nghiên cứu cho thấy người nghiện ma túy đá hầu hết có triệu chứng trầm cảm và lo âu, chiếm gần 60%. Một số người nghiện bị loạn thần, bao gồm hoang tưởng bị truy hại và ảo thính. khi dùng phối hợp với chất dạng thuốc phiện, ma tuý đá có thể khiến người nghiện tăng ý tưởng hoặc kế hoạch tự sát.
Loạn thần do "ngáo đá" ngày càng tăng
Thống kê tại Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia (thuộc Bệnh viện Bạch Mai), các trường hợp rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp đến khám và điều trị ngày càng tăng. Theo giới chuyên môn, ma túy đá được xếp vào loại phá hủy não bộ nghiêm trọng nhất, làm cho người nghiện dễ có nguy cơ trở thành bệnh nhân tâm thần. Những trường hợp não bộ bị ma túy đá phá hủy rất khó để phục hồi.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nếu trước đây bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là heroin thì hiện số này đang giảm dần và chuyển sang ma túy tổng hợp. Hầu hết bệnh nhân "ngáo đá" thường có khuynh hướng bạo lực, hung dữ và khỏe một cách kỳ lạ. Nhiều trường hợp các bác sĩ phải huy động tới 5-6 người to khỏe mới có thể giữ được. Các trường hợp vào viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, cả học sinh sinh viên.