Lần đầu tiên Việt Nam chia gan từ 1 người hiến chết não cứu sống 2 bệnh nhân

Thứ sáu, 15 Tháng 3 2019 13:49 (GMT+7)
Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ca phẫu thuật chia gan từ 1 người hiến chết não để ghép cho 2 bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối.

Lần đầu tiên Việt Nam chia gan từ 1 người hiến chết não cứu sống 2 bệnh nhân - Ảnh 1.

Từ người hiến gan chết não, Bệnh viện Việt Đức đã chia gan ghép cho 2 bệnh nhân

Ngày 15-3, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ca phẫu thuật chia gan từ người cho chết não để ghép cho 2 bệnh nhân bị suy gan. Ca ghép đặc biệt này được thực hiện vào ngày 9-3 vừa qua sau khi một nam giới 30 tuổi chết não do chấn thương sọ não nặng đã được người nhà hiến tạng cho người bệnh.

Theo đó, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành chia gan và ghép cho một bệnh nhi 8 tuổi bị suy gan, hôn mê gan do xơ gan trên nền bệnh nhân bị rối loạn chuyển hoá đồng và teo đường mật bẩm sinh cần ghép gan cấp cứu. Bệnh nhân còn lại là nam 49 tuổi bị ung thư gan trên nền gan xơ. 

Ca mổ được bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 23 giờ 30 phút cùng ngày 9-3. Sau 16 giờ phẫu thuật, các bác sĩ cùng lúc lấy đa tạng để ghép cho 5 bệnh nhân, trong đó 1 nhân bệnh ghép tim, 2 bệnh nhân ghép gan và 2 bệnh nhân ghép thận. Ngoài ra, từ nguồn tạng hiến này, các bác sĩ đã lấy các đoạn mạch máu để gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho các bệnh nhân khác. Ca mổ có sự kết hợp của các chuyên gia đầu ngành tại bệnh viện từ nhiều chuyên khoa: Phẫu thuật ghép tạng; phẫu thuật tim mạch; phẫu thuật vi phẫu; gây mê hồi sức; chẩn đoán hình ảnh; các labo xét nghiệm...

Tới hôm nay 15-3, 6 ngày sau ghép, tất cả các bệnh nhân đều hồi phục, 2 bệnh nhân ghép gan đã tự thở, tỉnh táo, các chức năng của gan mới đã hoạt động tốt và hoà hợp với người nhận.

Lần đầu tiên Việt Nam chia gan từ 1 người hiến chết não cứu sống 2 bệnh nhân - Ảnh 2.

Cháu bé 8 tuổi suy gan trên nền nhiều bệnh lý phức tạp được cứu sống nhờ ghép gan

Theo GS Giang, chia gan để ghép là một kỹ thuật khó do cùng lúc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan cho 2 bệnh nhân, đòi hỏi mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật có thể ghép được gan và thực hiện trong điều kiện cấp cứu. Chính vì vậy, kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến trên thế giới. Theo tổng kết đến năm 2016, tại Mỹ, quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới, số ca chia gan để ghép chỉ chiếm 1%, còn tại châu Âu tỉ lệ này là 6%. Một số trung tâm không tiến hành ghép vì tính chất phức tạp của kỹ thuật này.

Chương trình ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21, ca ghép gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện vào ngày 28-11-2007, đến ngày 15-4-2010 bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não. Hiện tại bệnh viện đã chủ động trong hầu hết các kỹ thuật ghép gan: Ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép. Số lượng ca ghép gan của bệnh viện Việt Đức là 62 trường hợp, chiếm hơn 50% toàn bộ số ghép gan cả nước.

Tuy nhiên theo giới chuyên môn, khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng, do vậy số lượng gan ghép chỉ thoả mãn khoảng 10-15% nhu cầu. Theo GS Giang, trước đây, mỗi lá gan chỉ ghép được một người, với việc thực hiện kỹ thuật chia gan để ghép sẽ giúp nhiều bệnh nhân suy gan có cơ hội được điều trị, cứu sống.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Việt Đức, nhân sự kiện Ngày công tác xã hội, bệnh viện đã hỗ trợ một phần chi phí cho bệnh nhân 8 tuổi được ghép gan trong ca ghép đặc biệt này.

N.Dung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe