Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM) thông tin đã tiếp nhận bệnh nhân C.Đ.K (65 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP HCM), có dấu hiệu ho nhiều, khạc máu đỏ, tức giữa ngực, khó thở ngày càng tăng, đến cấp cứu.
Bệnh nhân vui mừng cảm ơn các bác sĩ khi sức khỏe đã hồi phục
Tại Khoa Nội Hô hấp, bệnh nhân được chụp CT Scanner ngực, phát hiện có dị vật ở phổi trái. BS Ngô Thế Hoàng, Trưởng Khoa Nội Hô hấp BV Thống Nhất cho biết sau kiểm tra đã soi phế quản ống mềm, gắp thành công từ phế quản gốc trái ra 1 cây tăm bông dài khoảng 97 mm. Sau thủ thuật bệnh nhân đã ổn định.
Ông K. kể, sáng 18-3, ông dùng một thanh tre nhỏ vót thật lán, nhỏ và dùng bông gòn siết thật chặt vào đầu tăm để vệ sinh những răng bị hư nhưng trong lúc ngặm tăm ông bất ngờ bị ho, sặc và chiếc tăm lọt vào cuống họng lúc nào không hay. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, ông ho nhiều, tức ngực, khạc có máu và khó thở, nghi ngờ bị mắc dị vật, gia đình đã đưa ông đến BV cấp cứu.
Tăm tre dài 97 cm được lấy ra từ phổi trái bệnh nhân
BS Hoàng phân tích bình thường đường thở được bảo vệ bởi phản xạ đóng nắp thanh môn và 2 dây thanh âm. Khi dị vật lọt vào trong lòng khí phế quản sẽ gây nên những cơn ho sặc sụa (gọi là hội chứng xâm nhập). Đối với những dị vật lớn gây tắc đường thở, có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do vậy, khi bệnh nhân có triệu chứng ho sặc sụa, tím tái xuất hiện đột ngột trong khi ăn hay trẻ nhỏ khi chơi các đồ chơi nhỏ như viên bi, đồng xu, xếp hình (nhỏ), các loại hạt sa bô chê, mãng cầu… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Dị vật đường thở có thể bị chẩn đoán nhầm sang viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản và có thể bị chỉ định cho dùng kháng sinh kéo dài. Nên dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn như xẹp phổi, làm mủ trong phổi, hoại tử, áp-xe phổi, tràn khí màng phổi...