Một ca xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Ngày 27-3, Bộ Y tế cho biết trong 2 ngày qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác khám, xét nghiệm Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là 2 cơ sở y tế thời gian qua đã tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhi tới xét nghiệm sán lợn sau khi có nghi vấn sử dụng thực phẩm "bẩn" ở trường học.
Kiểm tra công tác khám, chữa bệnh, xét nghiệm, đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị viện tăng cường truyền thông, tư vấn giải thích cho người bệnh có nhu cầu xét nghiệm sán lợn. "Là đơn vị đầu ngành về điều trị các bệnh sốt rét và ký sinh trùng, Viện cần phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan thành lập nhóm nghiên cứu dịch tễ về sán dây lợn ở Bắc Ninh và ở trong cả nước. Cùng đó cử chuyên gia về Bắc Ninh để hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, xem xét đề xuất bổ sung, cập nhật các hướng dẫn điều trị bệnh giun sán, bệnh ký sinh trùng bị lãng quên" - PGS Khuê lưu ý.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS Khuê cũng yêu cầu bệnh viện phối hợp với các viện, cục chức năng triển khai nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng kết hợp với dịch tễ thực địa để điều tra dịch tễ lưu hành bệnh sán dây lợn và các bệnh ký sinh trùng khác.
Trước đó, hàng ngàn gia đình tại tỉnh Bắc Ninh đã đưa con về làm xét nghiệm sán dây lợn và một số ký sinh trùng khác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, gây nên hiện tượng quá tải bệnh viện. Ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết từ ngày 15-3 đến ngày 21-3, đã có 1.902 trẻ thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đến khám và xét nghiệm tại viện. Trong 1.602 mẫu xét nghiệm, có 176 mẫu dương tính với kháng thể ấu trùng sán dây lợn, chiếm 10,9%.
Với những trường hợp dương tính, viện hẹn người bệnh sau 2 tuần đến khám lại để thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm phân tìm trứng sán, đốt sán, chụp MRI (nếu có dấu hiệu thần kinh) và xét nghiệm Elisa.
Cũng theo ông Dương, sau khi thăm khám, xét nghiệm, đã có 17 trường hợp được bác sĩ yêu cầu cho nhập viện điều trị, trong đó có 7 trường hợp mắc thêm các bệnh ký sinh trùng khác như sán dây chó, ấu trùng giun đũa chó.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ ngày 13 đến 22-3, đã có gần 2.100 trẻ từ 1-10 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh đến khám và xét nghiệm sán lợn. Trong số này, có 18,5% dương tính với ấu trùng sán lợn, 5% dương tính với sán lá gan lớn, 8,8% dương tính với ấu trùng sán dây chó và có đến 37,2% dương tính với ấu trùng giun đũa chó, mèo.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết việc làm xét nghiệm để chẩn đoán sán dây lợn là nhu cầu chính đáng của người dân và việc đáp ứng dịch vụ xét nghiệm là trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh
Theo giới chuyên môn, tỉ lệ lưu hành các bệnh ký sinh trùng trong đó có bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn trong cộng đồng hiện rất đáng báo động. Đây là bệnh bị lãng quên, chưa được quan tâm thích đáng cho công tác phòng chống.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng lấy mẫu máu làm xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán dây lợn cho trẻ em thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Được biết, chi phí xét nghiệm sán lợn vào khoảng gần 600.000 đồng/lần, nếu làm thêm các xét nghiệm ký sinh trùng khác người bệnh có thể phải khoảng 1,5 triệu đồng.