Bệnh nhân đã chọn một bài hát về quê hương để hát trên bàn mổ u não
Bốn ngày sau khi được mổ u não, bệnh nhân Cao Quang Cảnh (55 tuổi, quê ở Quảng Bình) cho biết có thể bấm đếm ngón tay theo yêu cầu của bác sĩ, việc mà trước khi phẫu thuật ông không thể thực hiện do ảnh hưởng khối u não.
Theo ông Cảnh, ông cũng là bác sĩ, công tác ở tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 2019, ông bị đau đầu, tê bì và yếu tay trái, khó vận động, hầu như không cầm nắm được đồ vật. Thỉnh thoảng, di chuyển bước đi, ông còn thấy lảo đảo.
Kiểm tra tại bệnh viện ở Huế phát hiện khối u não kích thước 2,3 cm x 3,6 cm. Sau đó, ông đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám lại và quyết định điều trị tại đây. Bác sĩ xác định khối u não nằm ở vị trí ảnh hưởng đến chức năng vận động của bệnh nhân, là nguyên nhân khiến tay của ông bị tê bì.
Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức, ở vị trí này, nếu can thiệp cắt u không cẩn thận có thể gây liệt. Do đó, bệnh nhân được các bác sĩ giới thiệu về phương pháp phẫu thuật thức tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam tự chủ hoàn toàn khi thực hiện kỹ thuật này sau khi 2 ca mổ tương tự tại Bệnh viện Việt Đức với sự hỗ trợ của chuyên gia người Nhật đã thành công cách đây không lâu.
Bệnh nhân mổ thức tỉnh sẽ được bác sĩ nói chuyện, yêu cầu cử động tay, chân, hát...
Chia sẻ với báo chí, ông Cao Quang Cảnh cho biết sau khi tìm hiểu phương pháp này, bản thân ông không hề cảm thấy sợ hãi mà lại khá hào hứng, thú vị. "Trước khi vào cuộc mổ, tôi có luyện qua bài "Quảng Bình quê ta ơi" để có thể hát trên bàn mổ. Trong khoảng 1 tiếng tỉnh trong lúc đang mổ lấy u não, tôi đã trò chuyện rất nhiều với các y bác sĩ và hát bài hát về quê hương. Khi tôi cất lời, tôi cảm nhận hoàn toàn bác sĩ đang mổ trên vùng đầu, trong bối cảnh như thế, tôi nghe rõ giọng hát của mình, tôi biết các chức năng não được bảo tồn, không bị ảnh hưởng vào dây thần kinh ngôn ngữ, vận động. Tôi cố giữ lạc quan, bình tĩnh vì phương pháp này đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh. Chỉ cần sợ hãi, không cộng tác, ho, hoảng sợ... ca mổ thức tỉnh sẽ không thể tiếp tục, mà nếu mổ gây mê hoàn toàn sẽ không thể đánh giá được quá trình lấy khối u có gây liệt, ảnh hưởng ngôn ngữ hay không" - bệnh nhân Cảnh chia sẻ.
Bác sĩ Trịnh Thu Huyền, phụ trách gây mê cho bệnh nhân Cảnh, cho biết trong ca phẫu thuật, luôn có một bác sĩ đứng cạnh bệnh nhân để ở thời điểm bệnh nhân được "đánh thức" sẽ nói chuyện, yêu cầu bệnh nhân cử động tay, chân, hát... để quan sát xem có bình thường hay không. Tuy vậy, để lựa chọn được bệnh nhân mổ thức tỉnh cũng rất khó khăn bởi những tiếng kêu máy khoan, kim loại va đập… cũng là áp lực lớn với bệnh nhân.
Tại Nhật, có khoảng 5% ca phẫu thuật thức tỉnh phải huỷ vì bệnh nhân không thể phối hợp. Với bệnh nhân này, ca mổ kéo dài 3 giờ đồng hồ, bệnh nhân ngủ 2 tiếng, còn 1 tiếng thức và tỉnh táo hoàn toàn để phối hợp với bác sĩ làm phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không có di chứng, đặc biệt tay không còn tê bì.