Chữa loét dạ dày tại nhà

Thứ sáu, 29 Tháng 3 2019 15:55 (GMT+7)
Tình trạng loét có thể xuất hiện ở hầu hết các bộ phận cơ thể, gồm niêm mạc dạ dày. Loét dạ dày xảy ra khi lớp bảo vệ chất nhầy trong dạ dày bị giảm, khiến các mô dễ bị tổn thương bởi các axít tiêu hóa mạnh. Triệu chứng của loét dạ dày thường là đau bụng. Bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, giảm cân, trào ngược axít…

Nguyên nhân gây loét dạ dày có thể là do nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) hay do sử dụng trong thời gian dài các loại thuốc chống viêm không steroid và ibuprofen. Chấn thương nghiêm trọng, bị bệnh hoặc trải qua ca phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng dẫn đến loét dạ dày. Theo các chuyên gia, căng thẳng tinh thần (stress) và ăn thức ăn cay có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét, bởi chúng làm tăng lượng axít dạ dày.

Dù không có cách chữa trị loét dạ dày hoàn toàn nhưng một số biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm cơn đau và các triệu chứng gây loét, chẳng hạn như:

Mật ong Manuka. Mật ong Manuka có đặc tính kháng khuẩn, rất hữu ích khi điều trị các loại loét. Ngoài ra, mật ong còn giúp nhanh chữa lành vết thương, như loét da, phỏng và bị thương ngoài da.

Nha đam. Nha đam là một loại dầu thực vật phổ biến có trong nhiều loại thuốc bôi ngoài da, mỹ phẩm và thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy nha đam mang lại hiệu quả khi điều trị loét dạ dày tương tự như một số loại thuốc chữa loét dạ dày phổ biến.

Tỏi. Ngoài tạo hương vị cho thực phẩm, tỏi có đặc tính kháng khuẩn, nhờ đó tỏi có thể chống lại bệnh nhiễm trùng. Một số nghiên cứu còn cho thấy hiệu quả của tỏi trong điều trị loét. Đơn cử, nghiên cứu hồi năm 2016 trên động vật phát hiện tỏi có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vết loét và giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương.

Lợi khuẩn probiotic. Probiotic là những sinh vật sống giúp khôi phục sự cân bằng hệ vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Ngoài giúp tối ưu sức khỏe đường ruột, probiotic còn có thể giúp điều trị loét. Khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác, probiotic có thể giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại. Probiotic có nhiều trong sữa chua, thực phẩm lên men.

Gừng. Nhiều người tin rằng gừng có tác dụng bảo vệ dạ dày. Một số người còn dùng gừng để điều trị bệnh dạ dày và tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, đầy hơi và viêm dạ dày.

TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe