Bệnh nhân là nữ, 54 tuổi, nhập viện cách đây 5 tháng trong tình trạng sẹo mất hoàn toàn đầu mũi và trụ mũi, mất gần hết cánh mũi 2 bên, phần còn lại của mũi bị co kéo, dính, khiến lỗ mũi của bệnh nhân bị thu hẹp hơn bình thường, ảnh hưởng đến thông khí qua mũi khi bệnh nhân vận động gắng sức. Chiếc mũi biến dạng khiến bệnh nhân tự ti, mặc cảm, luôn phải bịt khẩu trang khi giao tiếp.
Hình ảnh vạt da và sụn tai được dùng để tạo hình mũi - Ảnh: Hải Yến
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), GS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, đánh giá đây là một ca khó, phức tạp, cần tiến hành vi phẫu tỉ mỉ để đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Để tạo hình mũi cho bệnh nhân, các bác sĩ đã chuyển một phần da và sụn vành tai nối ghép và tái tạo đầu, trụ và cánh mũi.
Thực hiện ca phẫu thuật trên, vạt da cần để tạo hình phải rất lớn, mà lấy hoàn toàn trên vành tai một bên sẽ không đủ để tái tạo toàn bộ đầu mũi, cánh mũi và trụ mũi. GS Trần Thiết Sơn đã sáng tạo bằng cách lấy thêm vùng da ở phía trước tai để tạo hình cánh mũi bên kia. Việc sử dụng một phần vành tai, nơi có cấu trúc cong, tương tự như cánh mũi là chất liệu tốt nhất giúp mũi sau tái tạo được tự nhiên.
Tuy nhiên, kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt da và sụn vành tai để tạo hình đầu mũi là một kỹ thuật khó, tỉ mỉ, đòi hỏi phuẫu thuật viên phải có kỹ năng phẫu tích thật khéo léo để lấy vạt da và chuyển vạt, ghép nối các mạch máu có đường kính chỉ 0,5 mm-1 mm. Ca phẫu thuật kéo dài tới 8 tiếng.
Bác sĩ Dung chia sẻ sau phẫu thuật, mũi bệnh nhân đang dần ổn định, hình dạng mũi tự nhiên, màu sắc cũng gần với màu da xung quanh. So với trước đây, bệnh nhân không chỉ cải thiện chức năng thẩm mỹ mà chức năng hô hấp (thở) của bệnh nhân tốt hơn và bệnh nhân tự tin hơn khi giao tiếp.
Mũi của bệnh nhân trước và sau khi tái tạo - Ảnh: Hải Yến
Theo bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Xanh Pôn, trước đây, những bệnh nhân có khiếm khuyết ngoại hình tương tự thường chịu sống chung với ngoại hình như vậy suốt đời hoặc được tạo hình khuyết đầu mũi, cánh mũi bằng các vạt da tại chỗ như da ở rãnh mũi má, da ở trán, hoặc các vạt da vi phẫu lấy từ cẳng tay, từ đùi... Tuy nhiên, hình dáng mũi tạo hình vẫn có sự khác biệt với mũi tự nhiên do da khác biệt với da mũi và không tạo được đường viền giống như đường viền cánh mũi. Chính vì thế, tái tạo toàn bộ đầu mũi, trụ mũi và cánh mũi hai bên sao cho giống với mũi tự nhiên nhất hiện vẫn là thách thức lớn đối với các phẫu thuật viên trong nước và quốc tế.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã phẫu thuật tái tạo cánh mũi cho 4 bệnh nhân bằng phương pháp này và cho kết quả rất tốt. Các trường hợp trước đây, vạt da để ghép là da và sụn một bên gốc của vành tai.
Theo bác sĩ Dung, tìm kiếm các nghiên cứu trong và ngoài nước, các bác sĩ thấy có một ca của phẫu thuật viên Hàn Quốc sử dụng kỹ thuật này cho trường hợp khuyết một bên cánh mũi nhưng chưa ở đâu tiến hành tái tạo hoàn toàn đầu mũi, trụ mũi và cánh mũi bằng vạt da sụn vành tai như ca này.