Bà B.T.N (78 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) có tiền căn tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng liệt nửa người phải, lơ mơ, điểm đột quỵ NIHSS 20 (mức độ nặng). Bệnh nhân vào viện ở giờ thứ 8 kể từ lúc khởi phát, nghĩa là đã nằm ngoài "tiêu chuẩn vàng" điều trị cấp.
Cứu người thần kỳ
Dù vậy, các bác sĩ Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 TP HCM dưới sự chỉ đạo của "nhạc trưởng" TS-BS Nguyễn Huy Thắng (trưởng khoa đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM) đã thực hiện kỹ thuật chưa từng có: mở rộng cửa sổ điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp lên đến 24 giờ bằng phương pháp can thiệp mạch máu não. Sau hơn 1 giờ, bệnh nhân đã được cứu sống một cách thần kỳ, phục hồi gần như hoàn toàn, giao tiếp và đi lại được vài ngày sau đó.
ThS-BS Phạm Nguyên Bình (Khoa Bệnh lý mạch máu não) cho biết trong bệnh lý đột quỵ, nhồi máu não chiếm tỉ lệ cao nhất, 85%. Mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương. Trước đây, các phương pháp điều trị cấp bị giới hạn bởi cửa sổ thời gian như thuốc tiêu sợi huyết (trong 4 - 5 giờ) hay can thiệp mạch máu não lấy huyết khối thường quy (trong 6 giờ). Tại BV Nhân Dân 115, từ năm 2018, phương pháp can thiệp mạch máu não đã được mở rộng cửa sổ điều trị có thể lên đến 24 giờ.
"Tuy nhiên, việc mở rộng cửa sổ điều trị chỉ áp dụng được trên một số ít bệnh nhân nhập viện trễ và thỏa các tiêu chuẩn về hình ảnh học. Vấn đề sống còn vẫn là khi có triệu chứng đột quỵ thì cần đến BV càng sớm càng tốt" - BS Phạm Nguyên Bình nhấn mạnh.
Các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM)
Được thế giới vinh danh
Từ những kết quả xuất sắc trong điều trị đột quỵ nhiều năm, vừa qua, BV Nhân Dân 115 đã được trao tặng "Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng" của Hội Đột quỵ châu Âu.
Chuyên gia đầu ngành về đột quỵ châu Âu, GS-TS Carlos Molina cho biết Ủy ban Chấp hành Hội Đột quỵ châu Âu được thành lập năm 2007 đã sáng lập Chương trình chứng nhận Đơn vị Đột quỵ và Trung tâm Đột quỵ. Các tiêu chí chính bao gồm khả năng huấn luyện con người; thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác. Quy trình này được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban Về Đơn vị Đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.
TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân Dân 115, cho biết để trở thành BV đầu tiên tại châu Á được trao chứng nhận này, BV phải đạt 7 tiêu chí khắt khe. Đó là các tiêu chí: Bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp được điều trị tái thông trong vòng 60 phút từ khi nhập viện; bệnh nhân được điều trị tái thông; bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI; bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng kháng kết tập tiểu cầu khi xuất viện; bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại đơn vị đột quỵ và bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng chăm sóc tích cực.
Chia sẻ niềm vui được vinh danh, TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho biết để nhận được giải thưởng này, BV phải cập nhật tất cả thông tin điều trị bệnh nhân đột quỵ mỗi ngày, kéo dài cả năm. "Một yêu cầu quan trọng để đạt được chứng chỉ Vàng trong chuẩn chất lượng điều trị đột quỵ là tỉ lệ tái thông phải đạt trên 5% thì BV Nhân Dân 115 đạt 11%. Phấn đấu năm 2020 sẽ đạt chuẩn chất lượng bạch kim với tỉ lệ tái thông đạt trên 15%" - BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.
Theo BS Nguyễn Huy Thắng, tại BV Nhân Dân 115, quy trình cấp cứu đột quỵ được thực hiện tối ưu. Một bệnh nhân đột quỵ khi chạm cánh cửa BV đến lúc được tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) chỉ còn 44 phút (nhanh hơn hướng dẫn của Tổ chức Đột quỵ thế giới 16 phút).
Cả nước sẽ có 100 đơn vị đột quỵ
Chỉ riêng năm 2018, tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị đột quỵ tại BV Nhân Dân 115 là gần 12.000 người, cao gấp 3 - 10 lần so với một số BV lớn trên địa bàn TP. Nếu như năm 2016, BV có 250 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch thì đến năm 2018, con số này tăng gấp 4 lần. Ngoài ra, phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã cứu sống 2.000 ca đột quỵ, riêng năm 2018 là 490 trường hợp.
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, làm 11.000 người tử vong. Từ một đơn vị đột quỵ đầu tiên tại BV Nhân Dân 115, đến nay đã có 60 đơn vị trên cả nước, dự kiến đến năm 2020 sẽ có được 100 đơn vị.
BV Nhân Dân 115 có khẩu hiệu “Não là trên hết”. Khi có bệnh nhân đột quỵ, tất cả các khoa khác đều nhường chỗ cho Khoa Bệnh lý mạch máu não. Bởi tim có thể chờ được nhưng não thì không.