Ảnh: The Independent
Được biết, trẻ nhỏ cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi để cơ thể có khả năng chống lại bệnh này. Song, báo cáo mới từ UNICEF ước tính rằng trong giai đoạn 2010-2017, có 169 triệu trẻ em trên toàn cầu đã bỏ lỡ mũi vắc-xin sởi đầu tiên trong 2 liều tiêm được khuyến cáo. Điều này đồng nghĩa trung bình có hơn 21 triệu em không được tiêm vắc-xin sởi mỗi năm.
Trong số các quốc gia có thu nhập cao, Mỹ là nước đứng đầu về số lượng trẻ không được tiêm mũi vắc-xin sởi đầu tiên trong giai đoạn 2010-2017, với hơn 2,5 triệu em. Tiếp theo là Pháp và Anh với số lượng lần lượt là hơn 600.000 và 500.000 em. Tình hình còn nghiêm trọng hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đơn cử, hồi năm 2017, Nigeria có số lượng trẻ dưới 1 tuổi không tiêm mũi vắc-xin sởi đầu tiên cao nhất, ở mức gần 4 triệu em. Tiếp theo là Ấn Độ (2,9 triệu), Pakistan và Indonesia (cùng 1,2 triệu) và Ethiopia (1,1 triệu). Cả 5 nước này chiếm khoảng 50% số trẻ bỏ lỡ mũi vắc-xin sởi đầu tiên trên toàn cầu, tổng cộng khoảng 10,4 triệu em.
Trong khi đó, khoảng trống về phạm vi bảo vệ bằng vắc-xin đã kích hoạt sự bùng phát của dịch sởi trên toàn cầu, từ các nước thu nhập cao ở châu Mỹ và châu Âu cho đến các nước thu nhập thấp và trung bình ở châu Á và châu Phi. Theo UNICEF, số ca mắc sởi trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng tới 300% so với cùng kỳ năm ngoái, với 110.000 ca mắc bệnh. Trong năm 2017 đã có 110.000 ca tử vong (đa số là trẻ em) vì bệnh sởi trên thế giới, tăng 22% so với năm 2016.
Tại những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì bệnh sởi cao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm liều vắc-xin đầu tiên vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi. Còn ở các nước mà nguy cơ nhiễm bệnh sởi ở trẻ sơ sinh thấp hơn (như Mỹ), liều vắc-xin đầu tiên thường được khuyến nghị tiêm vào lúc trẻ được 12 tháng tuổi. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm liều vắc-xin sởi đầu tiên trên toàn cầu là 85% - còn xa so với mức 95% cần thiết để ngăn chặn dịch sởi và khiến các cộng đồng dân cư miễn dịch với căn bệnh này. Việc tiêm liều thứ hai thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt 67%.
Báo cáo của UNICEF cho biết việc thiếu khả năng tiếp cận với vắc-xin, hệ thống chăm sóc yếu kém, tính chủ quan và nỗi e sợ tiêm chủng đã góp phần gây ra vấn đề bỏ tiêm vắc-xin sởi ở trẻ em trên toàn cầu. Theo đó, những nỗ lực giải quyết tình trạng này phải bao gồm việc mua thêm vắc-xin và trợ giúp các quốc gia xác định những trẻ chưa được tiếp cận với vắc-xin sởi. “Vi-rút sởi sẽ luôn tìm những đứa trẻ chưa được tiêm phòng. Nếu chúng ta nghiêm túc trong việc ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa này, chúng ta cần tiêm phòng cho mọi trẻ em, ở cả các nước giàu lẫn nghèo”- bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, nhấn mạnh.