Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết dù mới chớm hè nhưng số bệnh nhân đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, mỗi ngày có khoảng gần 200 ca đến bệnh viện khám.
Theo bác sĩ Cương, bệnh rất dễ nhận biết bởi dấu hiệu: Sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai; bệnh toàn phát trong 5-7 ngày với biểu hiện đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành.
Bác sĩ Hoàng Cương cũng cho rằng việc rất nhiều người nói nhìn vào mắt của những người bị đau mắt đỏ sẽ lây bệnh nhưng thực tế không phải như vậy. Theo bác sĩ Cương, đau mắt đỏ chỉ lây qua 3 hình thức: Hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay - mắt, quan hệ tình dục. Chỉ cần người bị đau mắt đỏ dụi mắt, sau đó nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm, bàn ghế, đồ chơi… có thể mang virus ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với virus từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh.
"Do tính chất bệnh dễ lây lan nên rất nhiều trường hợp cả gia đình đều bị đau mắt đỏ. Nhất là trong dịp nghỉ lễ kéo dài này, các gia đình thường tụ họp đông vui nên nguy cơ lây bệnh cho mọi người là rất lớn. Ngoài ra, tại các điểm du lịch, nơi tập trung đông người bệnh rất dễ lây lan và gây thành dịch" - bác sĩ Cương cảnh báo.
Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị bệnh đau mắt đỏ
Để tránh lây bệnh viêm kết mạc, bác sĩ Lê Kim Lan, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, khuyên mỗi người nên lưu ý phòng bệnh khi tiếp xúc với các vật dụng nơi công cộng như: Tay nắm cửa, thang máy… Khi sử dụng nút trong thang máy, không nên dùng đầu ngón tay bấm trực tiếp mà nên gập nhẹ ngón tay rồi dùng phần lưng của ngón tay bấm nút thang máy. Không dùng tay dụi mắt, nhất là khi tay vừa tiếp xúc với các vật dùng chung.
"Người bị viêm kết mạc cần có ý thức phòng bệnh cho những người xung quanh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, dùng riêng các vật dụng: Khăn, ca cốc, bát đũa... Trường học hay nơi tập trung đông người (khu vui chơi, hồ bơi, điểm du lịch, công sở...) là môi trường có tương tác lớn nên rất dễ lây lan đau mắt đỏ. Vì thế, khi bị đau mắt đỏ, nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan trong môi trường đông người"- bác sĩ Lan lưu ý.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, người mắc bệnh đau mắt đỏ không tự ý mua thuốc về tra mắt, nhất là các thốc chứa corticoid như dexamethazon và kháng sinh như polymyxin, neomyxin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn). Bởi các loại thuốc này có tính kháng viêm mạnh, nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây biến chứng: Viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu... có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa.