Ảnh: kidspot
Giáo sư Tanja Vrijkotte và các cộng sự tại Trung tâm Y tế Amsterdam đã thực hiện nghiên cứu liên quan 7.810 trẻ em trong độ tuổi 10-12. Kết quả là nhóm đã xác định được 12 yếu tố quan trọng có thể phân tích để dự đoán nguy cơ béo phì của trẻ trong một thập niên tới với độ chính xác lên đến 70%. Cụ thể, trẻ có nguy cơ béo phì cao nhất nếu người mẹ mắc bệnh tiểu đường và nếu cha mẹ đều hút thuốc. Các yếu tố khác bao gồm Chỉ số khối cơ thể (BMI) của cha/mẹ, giới tính, cân nặng sơ sinh của bé và sự phát triển của bé trong 6 tháng đầu đời. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bé được đưa đi nhà trẻ trong năm đầu đời ít có nguy cơ béo phì khi lên 10 tuổi. Các trường hợp này có thể ít bị tình trạng cho ăn quá nhiều. Các yếu tố khác, chẳng hạn như mẹ bị tiểu đường khi mang thai và cho trẻ ăn quá nhiều trong những tháng đầu đời, có thể khiến các bé có nguy cơ cao tăng cân do thay đổi quá trình trao đổi chất của chúng. Nhìn chung, phần lớn các yếu tố trên đều có thể được “điểm mặt” thậm chí trước khi bé chào đời.
Ở Hà Lan, trẻ em được tầm soát béo phì khi lên 2 tuổi, nhưng Giáo sư Vrijkotte cho rằng việc này nên bắt đầu sớm hơn. Điều trị béo phì rất khó khăn, nên các nữ hộ sinh, y tá hoặc bác sĩ cần can thiệp sớm nhất có thể. Sử dụng công cụ dự đoán nói trên để cảnh báo cha mẹ về nguy cơ cao béo phì của con và giúp họ điều chỉnh cách thức cho ăn, hành vi hoặc tập thể dục. Lúc nhỏ béo phì lớn lên càng dễ bị tình trạng này, trong đó có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Còn trong nghiên cứu gần đây, văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở khu vực châu Âu cảnh báo không thường xuyên hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng 25% nguy cơ béo phì nghiêm trọng ở trẻ. Tiến sĩ Bente Mikkelsen cho rằng trẻ được nuôi bằng sữa mẹ càng lâu thì khả năng phòng tránh béo phì của chúng càng lớn.
Những trẻ mắc bệnh béo phì nặng có tình trạng sức khỏe kém hơn các trường hợp béo phì thông thường. Béo phì nặng liên quan đến tim mạch lâu dài, sự trao đổi chất và các vấn đề tiêu cực khác. WHO khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của bé và giai đoạn sau đó tăng cường thêm các thực phẩm dinh dưỡng.