Hàng trăm người dân được đo huyết áp và tư vấn miễn phí
Sáng 12-5, tại Hà Nội, diễn ra Chương trình đi bộ "Vì sức khỏe tim mạch" hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh tăng huyết áp 17-5. Tại đây, các chuyên gia tim mạch tại Việt Nam cứ 10 người lớn thì có 4 người bị tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến các biến chứng về tim mạch. Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng" vì không có triệu chứng điển hình và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh. Đây cũng là lý do khiến hơn 48% số người trưởng thành ở Việt Nam đang mắc bệnh cao huyết áp, trong số này có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. "Tăng huyết là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm, đồng thời là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não; là nguyên nhân hàng thứ hai gây Nhồi máu cơ tim cấp. Tỉ lệ người mắc tăng huyết áp ngày cằng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ hóa"- GS Việt lo ngại.
Hạn chế sử dụng rươu bia để ngừa tăng huyết áp
Theo Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên Thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp trên 7 triệu người. Một thống kê năm 2015 của Hội tim mạch học Việt Nam thực hiện trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc đã ghi nhận trên 5.400 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) mắc tăng huyết áp.
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mức huyết áp tâm thu từ 115mg Hg trở lên được ước tính là góp phần vào 49% của tổng số trường hợp bệnh mạch vành tim và 62% tổng số đột quỵ. Do vậy, gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạnh tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh; nhưng có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng ở tim, não, mắt, thận, mạch não...
Hãy nhớ huyết áp như nhớ tuổi của mình
Chuyên gia tim mạch khuyến cáo "nhớ số huyết áp nhưng số tuổi của mình"
GS Nguyễn Lân Việt cho biết tăng huyết áp là bệnh lý âm thầm kéo dài nhiều năm. Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mm thủy ngân. Nhiều người thậm chí huyết áp đến 250/100mm thủy ngân nhưng không hề có triệu chứng. Và điều này là rất nguy hiểm bởi huyết áp có thể tăng bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người bệnh.
GS Việt cho biết mỗi người cần nhớ chỉ số huyết áp của mình như tuổi của mình vậy. Mỗi người chỉ cần tự đo huyết áp cho mình cũng có thể biết huyết áp của mình ở ngưỡng nào, cao hay thấp. "Người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ"- GS Việt khuyến cáo.
Các chỉ số huyết áp tối ưu và nguy cơ theo khuyến cáo
Để phòng bệnh các chuyên gia khuyên rằng tất cả mọi người, nhất là người trẻ cần phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp như không ăn mặn, hạn chế bia rượu, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều cholaterol. Đặc biệt là không hút thuốc lá, thuốc lào vì có liên quan đến các bệnh lý tim mạch rất rõ ràng; hạn chế tối đa stress, cần có thời gian nghỉ ngơi trong tháng, trong ngày, trong tuần và cần có hoạt động thể lực đều đặn. Đồng thời, người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm. Khi có chỉ định của thầy thuốc cần uống thuốc đều, lâu dài kể cả khi chỉ số huyết áp được hạ xuống mức bình thường.
Ăn uống, vận động thế nào để ngừa tăng huyết áp?
GS Nguyễn Lân Việt lưu ý chế độ ăn hợp lý ở đây có nghĩa là ăn nhiều rau, củ, quả, chất xơ, hạt ngũ cốc thô không qua chế biến, ăn cá; ăn vừa phải thịt nạc (gà), dầu thực vật, sữa tách kem và hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn (rán, chiên...); mỡ nguồn gốc động vật, phủ tạng động vật, tinh bột chế biến,hạn chế dùng đường ngọt bánh kẹo.
Chế độ giảm muối tốt nhất là sử dụng dưới 5 gr muối/ngày. Hạn chế đồ uống có cồn; không uống quá 2 đơn vị cồn/ ngày (nam) và 1 đơn vị/ngày (nữ). 1 đơn vị cồn tương đương 354 ml bia, 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh.
Vận động thể lực (tập thể dục) ít nhất 30 phút/ngày và đi bộ khoảng 10.000 bước chân/ngày.