Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Văn Nhanh (bên phải) kiểm tra lăng quăng trong lu nước tại nhà dân ở huyện Cờ Đỏ.
SXH tiếp tục tăng
Sáng 9-5-2019, đoàn Sở Y tế TP Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch SXH tại huyện Cờ Đỏ. Đoàn đã kiểm tra xử lý ca bệnh tại xã Trung Hưng, đoàn đến nhà em Nguyễn Gia Hạo, bệnh nhi bị SXH. Theo người nhà, em Hạo đang nhập viện điều trị SXH. Qua thực tế kiểm tra tại khu vực ca bệnh, phía sau nhà một vài hộ dân còn nước đọng; một vài hộ dân chưa quan tâm đến dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, tạo cơ hội cho muỗi có nơi trú ngụ.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, nhận xét: Qua kiểm tra chỉ số breteau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) đều đạt, ở xã Trung Hưng là 15, thị trấn Cờ Đỏ 10 (quy định dưới 20). Tuy nhiên, qua kiểm tra biên bản xử lý ca bệnh, ổ dịch, kiểm tra sổ sách liên quan đến phòng, chống dịch SXH thì xã Trung Hưng cần rút kinh nghiệm, sổ sách phải làm theo mẫu, từ đó biết quy trình xử lý ca bệnh cụ thể, căn cứ quy trách nhiệm, thời gian xử lý.
Ông Sơn Trung, ấp Thới Hòa B, cho biết: “Các cô chú ở ấp, trạm y tế đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nên bà con cũng ý thức hơn”. Theo lời một cán bộ ở trạm y tế thị trấn, nhờ đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên mà môi trường vệ sinh ở khu vực này thay đổi nhiều. Tuy nhiên, nhiều hộ còn chủ quan, lu chứa nước có đậy nắp nhưng bỏ sót lu nước sau nhà, mưa xuống làm lăng quăng sinh sôi. Chú Mai Tư Thắng phân trần: “Nhà có cháu nhỏ, người già nên tôi kỹ lắm, 3 cái lu chứa nước đều có nắp đậy. Quần áo, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, vật phế thải thu gom hết, nhưng ai dè cũng sót”.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ Dương Văn An, so với cùng kỳ 2018, toàn huyện tăng 6 ca SXH. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, thành phố chọn thị trấn Cờ Đỏ làm điểm và hỗ trợ kinh phí; các xã còn lại, huyện, xã hỗ trợ kinh phí thực hiện chiến dịch nên việc triển khai thuận lợi.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, số ca mắc SXH toàn thành phố tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2018. Từ thực tế đó, thành phố tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng trên địa bàn toàn thành phố nhằm giảm số ca bệnh SXH. Thành phố chọn 16 phường, xã làm trọng điểm triển khai chiến dịch. Các xã, phường còn lại, Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện chọn các ấp, xã có nguy cơ. Thời gian triển khai đợt I từ 18-4 đến 20-4, đợt II từ 2-5 đến 4-5.
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh, hiện bắt đầu bước vào mùa mưa, cần chú ý tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là trong các trường học để học sinh tự kiểm tra, diệt lăng quăng, muỗi tại gia đình. Đồng thời, các đơn vị y tế xử lý kịp thời ca bệnh SXH, “cắt” nguồn lây. Qua thực tế kiểm tra ở các quận, huyện, nguyên nhân bệnh SXH tăng do có những cơn mưa bất thường, điều kiện vệ sinh chung quanh nhà người dân chưa tốt như: vật phế thải xung quanh nhà còn nhiều, ứ đọng nước mưa; trong nhà ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn và phát triển gây bệnh; những nền nhà, khu đất trống để hoang, nước đọng, cỏ dại mọc nhiều là ổ lăng quăng, muỗi…
Từ đầu tháng 5-2019, mưa nhiều hơn, tạo thuận lợi cho bệnh SXH bùng phát. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng; thu gom vật phế thải; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ, thay nước bình hoa... Mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...