Không có triệu chứng
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lữ, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim mạch (BVTM) TP Cần Thơ, cho biết: Ngày nay, bệnh về tim mạch ngày càng tăng cao, trong đó RLNT là một bệnh lý thường gặp. Theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ nhập viện do RLNT chiếm trên 20%. RLNT tức là nhịp tim đập quá nhanh, quá chậm, nhịp đến sớm bất thường… Bệnh phổ biến ở nam giới, chiếm 70%. Rối loạn nhịp nhanh khi tần số nhịp tim >100 lần/phút; rối loạn nhịp chậm khi tần số nhịp tim < 60 lần/phút.
Người dân đặt câu hỏi với bác sĩ về bệnh lý tim mạch tại tọa đàm “Bệnh lý mạch vành - rối loạn nhịp và các phương pháp điều trị tiên tiến” do BVTM TP Cần Thơ tổ chức.
Nguyên nhân gây RLNT do tăng huyết áp, sẹo cơ tim, do di chứng nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, cường giáp, suy giáp, thay đổi cấu trúc tim, bệnh cơ tim, rối loạn thần kinh thực vật tim, do thuốc.
Hiện nay, xu hướng độ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Các bệnh như nhồi máu cơ tim, RLNT xuất hiện ngày càng nhiều ở những bệnh nhân ở độ tuổi 30-40 tuổi. Các triệu chứng nghi RLNT: Ngất xỉu, khó thở, chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực, nặng ngực… Trong đó, ngất xỉu là triệu chứng báo hiệu RLNT nhanh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp RLNT không có triệu chứng gì. Người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi tình cờ đi khám tổng quát hay khám, điều trị một bệnh lý khác.
RLNT có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, tần suất RLNT tăng theo tuổi. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, có tiền sử bệnh mạch vành, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hút thuốc, lớn tuổi, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích… nên tái khám tim mạch định kỳ. Khi có những dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường về nhịp tim thì nên báo cho bác sĩ.
Khi nào cần điều trị?
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lữ, Khoa Cấp cứu, BVTM TP Cần Thơ, cho biết: Khi có triệu chứng nghi bị RLNT, bác sĩ sẽ thu thập các thông tin gồm: Triệu chứng bệnh, lịch sử bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm (chức năng tuyến giáp), holter điện tâm đồ (điện tim 24 giờ) để ghi lại hoạt động của tim trong 24 giờ, ghi nhận bất thường ở thời điểm có triệu chứng RLNT.
Phân biệt chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực… do công việc, do lo lắng và do RLNT: Thường những bệnh nhân chóng mặt, hồi hộp hoặc đánh trống ngực do công việc hoặc lo lắng thì các triệu chứng đó sẽ trở về bình thường khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc thư giãn… Còn các triệu chứng do RLNT thường xuất hiện đột ngột hoặc có thể kéo dài mà không cần có yếu tố khởi phát (một số ít trường hợp có thể có RLNT do gắng sức). |
Theo bác sĩ Lữ, nếu bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm, có hai phương pháp: điều trị bằng thuốc và máy tạo nhịp tim. Phương pháp điều trị bằng máy tạo nhịp tim được chứng minh là hiệu quả, an toàn và thường được sử dụng. Gồm có máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn. Máy tạo nhịp tim tạm thời, chỉ định khi có rối loạn nhịp chậm nguy hiểm. Bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để kích thích xung động (để tạo ra xung điện kích thích cơ tim co bóp) cứu sống bệnh nhân.
Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được chỉ định khi cần tạo nhịp lâu dài. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ gọn, kích thước khoảng 3 x 4cm, ngoài chức năng tạo nhịp tim, khi nằm trong cơ thể, máy còn ghi nhận và phân tích các hoạt động điện bất thường của tim, giúp bác sĩ theo dõi, chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Hiện nay, BVTM TP Cần Thơ đang chuẩn bị triển khai tiến hành cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ của Khoa điều trị rối loạn nhịp - BV Chợ Rẫy.
Điều trị rối loạn nhịp nhanh gồm: Thuốc kiểm soát tần số tim và khôi phục nhịp tim, đốt điện, nghiệm pháp cường phế vị, sốc điện… Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị RLNT khi các điều trị khác không hiệu quả. Việc điều trị bệnh RLNT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Bệnh nhân cần được tư vấn để hiểu rõ về bệnh và mức độ nguy hiểm của RLNT. Một số sai lầm của bệnh nhân khi điều trị RLNT là không tuân thủ điều trị (bao gồm điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống), không tái khám đúng hẹn, tự ngưng thuốc khi đang điều trị, điều trị bằng các bài thuốc không rõ nguồn gốc.
Người bệnh nên ăn thực phẩm tốt cho tim (rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol như lòng đỏ trứng, thịt đỏ... hạn chế muối, đường, tập thể dục đều đặn, giảm cân (nếu có thừa cân, béo phì), hạn chế rượu bia, thuốc lá, kiểm soát huyết áp và mỡ máu, tái khám định kỳ. Khi nhịp tim tăng nhanh (cảm thấy nhịp tim bất thường) hoặc có cảm giác khó chịu ở ngực, choáng váng, chóng mặt... nên ngồi nghỉ ngay tại chỗ, tìm người hỗ trợ và đến khám tại chuyên khoa tim mạch khi triệu chứng đó lặp lại nhiều lần.