Nguy cơ bệnh tật do thiếu Vitamin A
Hằng năm, ngành y tế thành phố triển khai 2 chiến dịch uống bổ sung Vitamin A vào tháng 6 và tháng 12, cho trẻ em (từ 6 đến 36 tháng tuổi) và phụ nữ sau sinh 1 tháng, nhằm giảm bớt những nguy cơ bệnh tật do thiếu Vitamin A.
Trẻ uống Vitamin A tại Trạm y tế phường An Khánh.
Theo thạc sĩ Trần Xuân Huyền, Phó khoa Dinh dưỡng - Vệ sinh môi trường-Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC), Vitamin A giúp bảo vệ mắt, phòng tránh bệnh khô mắt và có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, tăng hấp thu, nhất là với trẻ sau khi bị viêm hô hấp cấp, tiêu chảy... Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi Việt Nam còn cao, việc bổ sung Vitamin A cũng nhằm gia tăng chiều cao, giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ. Nếu thiếu Vitamin A, trẻ chậm phát triển, dễ mắc các bệnh như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, quáng gà, khô mắt... Thiếu Vitamin A về lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ bị mù lòa, tử vong ở trẻ em. Nguyên nhân thiếu Vitamin A là do thức ăn hằng ngày thiếu Vitamin A hoặc trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng làm giảm hấp thu Vitamin A.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần bú mẹ càng sớm càng tốt (tốt nhất trong 1 giờ đầu sau sanh), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì đến 24 tháng để phòng ngừa thiếu Vitamin A. Bà mẹ đang cho con bú, trẻ nhỏ nên ăn hằng ngày đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, rau xanh - trái cây, protein, dầu. Thêm vào mỗi bữa ăn của trẻ 1 – 2 muỗng dầu ăn để dễ hấp thu Vitamin A.
Uống đúng liều lượng
Liều lượng Vitamin A: Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: uống một viên nang Vitamin A 100.000 đơn vị (màu xanh). Trẻ 13 – 36 tháng tuổi và trẻ trên 36 tháng tuổi đến 5 tuổi thuộc nhóm nguy cơ (suy dinh dưỡng, sau bệnh sởi, tiêu chảy kéo dài, nhiễm trùng đường hô hấp,…); bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một viên nang Vitamin A 200.000 đơn vị (màu đỏ). Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ hoàn toàn uống một giọt Vitamin A viên màu xanh (tương đương 50.000 đơn vị).
Một số gia đình kinh tế khá giả thường mua Vitamin A ở tiệm thuốc tây cho trẻ uống bổ sung, mà ít khi đưa trẻ đến các trạm y tế theo lịch. Vitamin A chương trình hàm lượng cao không bán trên thị trường. Theo thạc sĩ Trần Xuân Huyền, viên Vitamin A đang bán trên thị trường, hàm lượng chỉ từ 5.000 – 15.000 đơn vị. Trong khi Viatmin A của chương trình, do Viện Dinh dưỡng Trung ương cung cấp có hàm lượng 100.000 – 200.000 đơn vị. Ngoài ra, hàm lượng Vitamin A dự trữ ở gan 6 tháng nên việc tự ý mua uống, có nguy cơ gây quá liều, ngộ độc Vitamin A. |
Trẻ được uống Vitamin A tại các trạm y tế. Các bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được cấp phát viên nang Vitamin A thường xuyên có sẵn tại các Khoa Sản của bệnh viện, phòng khám khu vực, bảo sanh khu vực và trạm y tế. Trẻ thuộc đối tượng nguy cơ được cấp phát viên nang Vitamin A thường xuyên tại Khoa Nhi Bệnh viện, phòng khám khu vực, trạm y tế. Đối với phụ nữ mang thai được cán bộ y tế ghi toa bổ sung viên sắt/axit folic thường xuyên hằng tháng cho đến sau sinh một tháng.
Trong trường hợp trẻ không đến uống đúng lịch, sau chiến dịch, gia đình có thể đưa trẻ tới trạm y tế để được uống Vitamin A bổ sung. Hiện nay, các trạm y tế luôn dự trữ Vitamin A để cấp cho trẻ nguy cơ và bà mẹ sau sinh. Theo CDC Cần Thơ, các trạm y tế uống Vitamin A theo địa bàn từng ấp, khu vực và lồng ghép với lịch tiêm chủng mở rộng hàng tháng; tổ chức uống vét theo kiểu cuốn chiếu, dứt điểm từng ấp, khu vực. Trong chiến dịch, tiến hành cân trẻ đồng loạt đợt I-2019 và tổ chức giáo dục thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi.
Theo thạc sĩ Trần Xuân Huyền, CDC phối hợp Trung tâm Y tế quận, huyện giám sát, kiểm tra việc thực hiện trước, trong và sau chiến dịch ở các trạm y tế. CDC Cần Thơ đã cấp Vitamin A cho các quận, huyện và quận, huyện sẽ cấp lại cho các trạm y tế.