Tự chủ tài chính: “Cởi trói” cho các bệnh viện

Chủ nhật, 09 Tháng 6 2019 08:22 (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nghị quyết cho phép 4 “siêu” bệnh viện (BV) sẽ thí điểm thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Đây là cơ hội giúp các BV phát huy được sự chủ động, nâng cao trình độ khám chữa bệnh. Tuy nhiên cũng không ít người lo ngại “vì tiền” mà người bệnh sẽ bị BV tìm mọi cách tận thu.

Chủ động phát triển kỹ thuật cao

Chỉ sau một ngày trải qua “đại phẫu” cắt thùy phổi tại BV Bạch Mai, bà Nguyễn Thị H (59 tuổi, ở Bắc Giang) đã tỉnh táo, ngồi dậy và trò chuyện được với mọi người. Bà H rất vui vì mình không đau đớn nhiều, lại được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình.

Bà H là 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng kỹ thuật mới - phương pháp cắt thổi phổi nội soi một đường rạch. Phương pháp này chỉ rạch một đường nhỏ và không dùng dụng cụ để banh lồng ngực của bệnh nhân nên bệnh nhân sẽ đỡ đau hơn rất nhiều, giảm thời gian nằm viện, giảm ảnh hưởng đến chức năng phổi sau phẫu thuật. Kỹ thuật này đã được sự hỗ trợ của Dr Diego Gonzaler Rivas - một chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật lồng ngực.

tu chu tai chinh:  “coi troi” cho cac benh  vien hinh anh 1

Cần có thêm cơ chế để giúp bệnh viện tự chủ tốt hơn. (Khám chữa bệnh tại BV K T.Ư). (ảnh: T.K)

Thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, liên tục ứng dụng các kỹ thuật cao vào điều trị, máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là những việc mà BV Bạch Mai đã chuẩn bị trong nhiều năm nay để thu hút bệnh nhân, tiến tới tự chủ tài chính 100%.

Ông Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (BV Bạch Mai) nhận định, tự chủ tài chính là tất yếu trong cơ chế thị trường. Điều này phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các BV. Thời gian qua, BV Bạch Mai cũng đã tự chủ được nhiều việc như: Trả lương cho nhân viên; xã hội hóa để đưa về cho BV nhiều máy móc hiện đại mà nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì còn lâu mới có. BV Bạch Mai đang có nhiều máy móc hiện đại nhất, phục vụ công tác khám chữa bệnh.

“Một số BV công phía Nam đang chảy máu chất xám trầm trọng khi nhiều bác sĩ giỏi bỏ sang BV tư. Nguyên nhân chủ yếu là do lương mà BV công trả không xứng đáng với đầu tư học tập, trình độ chuyên môn của họ. Bây giờ, nếu như được tự chủ, Giám đốc BV được quyền tuyển nhân viên và trả lương theo đúng năng lực của họ, có thể cao hơn nhiều lần lương trung bình mà không cần câu nệ vào quy định lương cơ bản” - ông Hùng phân tích.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đánh giá, điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Các BV khi tự chủ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật cao như ghép tạng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa thông qua Nghị quyết 33/NQ-CP “Về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế” (BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K T.Ư, BV Chợ Rẫy). Mục tiêu của Nghị quyết nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các BV; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Quyền đi liền trách nhiệm

Theo ông Liên, hiện nay, về tự chủ tài chính, các đơn vị y tế được phân loại theo 4 nhóm: Tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư; tự đảm bảo chi thường xuyên; tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; đơn vị do ngân sách đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Số thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các BV năm 2016, năm 2017 giảm khoảng gần 5.740 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP.Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.320 tỷ đồng, TP.Hà Nội giảm 520 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 340 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Hà Tĩnh 200 tỷ đồng, Bình Định 300 tỷ đồng...
(nguồn Bộ Y tế)

“Các đơn vị có mức độ tự chủ tài chính cao thì được tự chủ cao hơn trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế và sử dụng nguồn tài chính. Với các đơn vị tự chủ thường xuyên và đầu tư (như BV Bạch Mai, K T.Ư. Chợ Rẫy, Việt Đức) thì có thể thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát. Các BV này cũng có thể tự quyết định tuyển nhân lực, được tự trả lương theo hiệu quả công việc như doanh nghiệp” - ông Liên nói.

Ông Liên cũng nói thêm, để tạo điều kiện cho các BV tự chủ, tới đây viện phí cho đối tượng tham gia BHYT cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ (hiện nay giá viện phí mới tính 5/7 yếu tố cấu thành). Theo lộ trình, giá viện phí sẽ được tính đủ cả 7/7 yếu tố vào năm 2021.

Còn đối với khám chữa bệnh dịch vụ, Bộ Y tế cũng chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đúng tính đủ chi phí và có tích lũy để tái đầu tư. Như vậy, các BV sẽ được quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh. “Các cơ sở y tế sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu thì mức giá không được vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành. Còn các đơn vị tự chủ hoàn toàn (cơ sở tự xây, máy móc tự mua, nhân viên tự trả lương) thì có thể tự xây dựng mức giá, tuy nhiên phải thực hiện kê khai giá công khai cho người bệnh lựa chọn” - ông Liên nhấn mạnh.

Theo ông Liên, khi các BV được tự quyết định giá viện phí, bệnh nhân có điều kiện kinh tế sẽ được lựa chọn điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn, có thể yêu cầu BV mời các chuyên gia nước ngoài đến khám chữa bệnh cho mình mà không phải đi sang “đất khách quê người”. Bộ Y tế cũng sẽ đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán theo định suất, theo trường hợp bệnh, nhóm bệnh đã chẩn đoán.

Về lo lắng “tự chủ” sẽ khiến các BV tăng giá, lạm dụng xét nghiệm để tận thu, ông Hùng khẳng định, điều đó là khó vì giá viện phí của người tham gia BHYT không tăng. Tại BV Bạch Mai hơn 80% người bệnh có BHYT nên đối tượng này không hề bị ảnh hưởng. Chỉ có những người khám chữa bệnh theo yêu cầu mới chịu giá viện phí “theo yêu cầu”. Tuy nhiên, họ sẽ nhận được dịch vụ “đáng đồng tiền bát gạo”.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, cần phải thí điểm tự chủ ở nhiều hạng BV, BV tỉnh, huyện. “BV Bạch Mai là BV tuyến cuối, có đặc thù riêng cũng đã có thương hiệu, nên không thể áp mô hình Bạch Mai cho các BV khác. Cần phải thí điểm tự chủ ở nhiều hạng BV mới có thể tìm ra được các vấn đề cần rút kinh nghiệm, để sau này có thể thực hiện tự chủ ở tất cả các BV.

Diệu Linh - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe