Ảnh: womanandhome
Thời lượng giấc ngủ bất thường và chất lượng giấc ngủ nghèo nàn lâu nay được biết có liên quan đến việc kiểm soát đường huyết kém ở những trường hợp bị tiểu đường. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nghiên cứu đối với 962 người thừa cân hoặc béo phì trong độ tuổi 20-65, Tiến sĩ Babak Mokhlesi và các cộng sự tại Đại học Chicago phát hiện rối loạn giấc ngủ cũng “đe dọa” những đối tượng có nguy cơ bị tiểu đường. Trong nghiên cứu, 73% người tham gia bị tiền tiểu đường, trong khi số còn lại mới bị tiểu đường tuýp 2 nhưng chưa điều trị. Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể giảm khả năng dung nạp glucose, khiến lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức để chẩn đoán tiểu đường tuýp 2.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy so với những người ngủ 7-8 tiếng/đêm, những người chợp mắt trung bình dưới 5 tiếng hoặc trên 8 tiếng/đêm có chỉ số đường huyết A1C cao hơn đáng kể, điều này cho thấy kiểm soát đường huyết của họ trong 2-3 tháng qua không tốt. Kết quả trên vẫn đúng dù người đó bị tiểu đường hay là tiền tiểu đường. Theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu Giấc ngủ Y học Mỹ, người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm.
Nghiên cứu còn phát hiện thời lượng giấc ngủ liên quan đến các yếu tố nguy cơ tiểu đường khác, ngoài chỉ số hemoglobin A1C. Ví dụ, những người ngả lưng hơn 8 tiếng/đêm có mức độ đường huyết lúc đói cao hơn. Còn những người ngủ không tới 6 tiếng/đêm và người làm việc theo ca thì lại có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn.
Chưa rõ mỗi đêm ngủ quá 8 tiếng làm tăng nguy cơ tiểu đường như thế nào, nhưng các chuyên gia nghi ngờ thời gian ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh ẩn, dần dần khiến việc kiểm soát đường huyết tệ hơn. “Giả thuyết đặt ra là chính bệnh tiền tiểu đường hoặc các yếu tố khác của hội chứng trao đổi chất đang khiến người bệnh ngủ nhiều hơn, chứ không phải việc ngủ quá nhiều đẩy cao nguy cơ bị tiểu đường”- James Gangwisch tại Đại học Columbia nhận định.
Những người trung niên và trưởng thành ngủ không đủ giấc có gần gấp đôi nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Thiếu ngủ còn làm thay đổi cách cơ thể chúng ta sản sinh và sử dụng insulin, trong khi hoóc-môn này lại có chức năng điều chỉnh nồng độ glucose trong máu. Do vậy, insulin bị cản trở cũng ảnh hưởng đến đường huyết. Một đêm thức trắng có thể làm giảm độ nhạy cảm insulin nhiều hơn cả 6 tháng áp dụng chế độ ăn nhiều chất béo. Các nghiên cứu trước đây chứng minh rằng sau một tuần chỉ ngủ 5 tiếng/đêm, một nhóm nam giới khỏe mạnh đã giảm đáng kể độ nhạy cảm insulin.