Bệnh nhân Cheung Yiu-kai đang được bác sĩ Trung y Lao Li Xing thăm khám.
Karen Kwai-Ching Li sống chung với bệnh ung thư xương dạng osteosarcoma đã gần 28 năm. Cô được chẩn đoán bệnh vào năm 1991, khi mới 10 tuổi, nhưng việc dùng thuốc thất bại trong 2 tháng đã khiến khối u lan rộng, phải cắt cụt chân. Trải qua phẫu thuật và 6 đợt hóa trị, bệnh của cô đã thuyên giảm. Sau đó, Li tiếp tục gặp bác sĩ Godfrey Chan, chuyên khoa ung thư nhi tại Bệnh viện Queen Mary ở Hong Kong, để theo dõi quá trình phục hồi và đảm bảo rằng ung thư không tái phát.
Nhằm vượt qua một loạt tác dụng phụ của hóa trị, Li đã dùng thêm phương thuốc trong y học cổ truyền Trung Quốc. Theo đó, uống nhân sâm sau mỗi đợt hóa trị đã giúp cô tăng cường năng lượng và khỏe hơn, điều được chứng minh trong các nghiên cứu gần đây. May mắn là cách làm của cô được bác sĩ Chan ủng hộ. Tuy là bác sĩ Tây y, song do có cha là một thầy thuốc Trung y nên từ nhỏ Chan đã biết đến nhiều loại thảo dược và tác dụng của chúng. Điều đó khiến ông nghĩ đến việc kết hợp hai phương pháp Đông-Tây y và khám phá giá trị lâm sàng của thảo dược vì lợi ích của những bệnh nhân như Li.
Ưu điểm và biến chứng
Theo bác sĩ Chan, y học cổ truyền “giống như một kho báu”, song dữ liệu lịch sử cho thấy một số bài thuốc hiệu quả và số khác thì không. Bằng cách khám phá hoạt chất của hàng ngàn dược liệu trong y học cổ truyền Trung Quốc, Chan tin rằng ông có thể tìm ra các kiểu kết hợp điều trị giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
Các loại thảo mộc dạng bột có đầy ở phòng thí nghiệm tại Đại học Hong Kong, nơi đội ngũ của ông cẩn thận cân đong và kiểm tra tính chất của các thành phần trong các lọ và cách chúng phản ứng với hóa chất và tế bào người. Họ làm việc rất tập trung nhằm đảm bảo các loại thảo mộc giúp bổ trợ, chứ không phải gây nhiễu hoặc gây hại, đối với bất kỳ phương pháp điều trị hiện đại nào - đặc biệt với một thứ nhạy cảm như điều trị ung thư. “Chúng tôi phải rất cẩn thận, vì ngoài lợi thế, chúng tôi cũng có thể đối mặt với các biến chứng” – bác sĩ Chan nói. Ông ví dụ nấm linh chi, một thảo dược được nhiều bệnh nhân ung thư sử dụng, với sự hướng dẫn và giám sát chặt của bác sĩ, vì được cho có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị ung thư liên quan hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh bạch cầu (ung thư máu), sử dụng loại thảo dược như vậy có thể khiến ung thư tăng sinh.
Tiềm năng rộng mở trong tương lai
Bác sĩ Chan cho biết vào những năm 1990, một nghiên cứu cho thấy gần một nửa số bệnh nhân của ông đang dùng Đông y kết hợp với điều trị ung thư, điều đã thúc đẩy ông nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực này. Chính quyền Hong Kong đã cung cấp tài chính và nguồn lực cho nghiên cứu lớn hơn về dược liệu Trung Quốc, như xây dựng bệnh viện, phòng khám cho Khoa Y Đại học Hong Kong và đảm bảo kiểm soát chất lượng tốt hơn. “Tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội kết hợp hơn trong tương lai” - Chan nói.
Trong khi đó, Lao Li Xing, trưởng khoa y học Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, đang đào tạo một thế hệ bác sĩ Đông y tiếp theo và tin rằng y học cổ truyền Trung Quốc có thể bổ sung những khoảng trống và khắc phục một số hạn chế của y học phương Tây, như ung thư và tác dụng phụ của điều trị. Tại phòng khám của mình, nơi đặt một chiếc tủ lớn có hàng trăm ngăn kéo, mỗi ngăn chứa một loại thảo mộc, ông Lao cho biết xạ trị và hóa trị rất quan trọng nhưng thường gây ra tác dụng phụ (như mất ngủ, buồn nôn, khô miệng), y học Trung Quốc có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nhưng kết hợp Tây y và Đông y sẽ giúp bệnh nhân khỏe mạnh trở lại. Đơn cử, nghiên cứu của Giáo sư Tommy Yung-Chi Cheng tại Đại học Yale (Mỹ) năm 2012 cho thấy 4 loại thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị các vấn đề về tiêu hóa có hiệu quả trong việc “giảm tác dụng phụ, đồng thời tăng cường hiệu quả của hóa trị liệu”.
Đối với Li, kết quả của hai liệu pháp tốt hơn một, do đó cô tin rằng “việc tích hợp hai liệu pháp sẽ là xu hướng trong tương lai ở Hong Kong” và trên toàn cầu. Một trường hợp khác là Cheung Yiu-kai, 66 tuổi, gần đây được điều trị ung thư gan bằng cách kết hợp phẫu thuật và điện trị liệu tại Bệnh viện Queen Mary để loại bỏ hàng loạt khối u. Sau khi điều trị bằng Tây y, ông đã tìm đến bác sĩ Lao nhằm phục hồi sức khỏe tổng thể. Cheung cho rằng bác sĩ Tây y điều trị bệnh tình bên trong, còn bác sĩ Trung y điều hòa toàn bộ cơ thể. Bây giờ, “cơ thể tôi cảm thấy rất tốt”, ông nói.
Dù mới ở giai đoạn đầu, song cả bác sĩ Chan và Lao đều tin rằng kết hợp Đông-Tây y phù hợp với quy trình y tế và chăm sóc sức khỏe hiện nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa bổ sung y học cổ truyền Trung Quốc vào Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan. Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền địa phương xây dựng bộ phận y học cổ truyền ở tất cả các trung tâm y tế, đồng thời tăng kinh phí phát triển và mở rộng quy mô đào tạo.