Kinh hoàng phỏng điện

Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 08:58 (GMT+7)
Phỏng điện thường gây hậu quả nghiêm trọng, nếu giữ được tính mạng cũng phải đoạn chi, tổn thương nặng ở gan, thận

Mỗi năm, Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) tiếp nhận khoảng 300-400 trường hợp phỏng điện, trong đó có khoảng 100 trường hợp phải đoạn chi do phỏng nặng.

50% phỏng điện phải cắt cụt chi

Bệnh nhân L.V.M (32 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) nhập BV Quân y 175 trong tình trạng bị điện giật phỏng sâu 40%, cháy sém toàn bộ vùng mặt, lưng, cổ và hai cánh tay.

Anh M. mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lúc rảnh thường qua chùa gần nhà để làm công quả như quét sân, dọn dẹp... Sáng 5-6, trong lúc leo lên nóc chùa lấy lá cờ thì anh M. bị điện giật treo lơ lửng 5 phút trên cao và té từ độ cao 5 m xuống đất. Nhờ được sơ cứu đúng cách và chuyển đến BV Quân y 175 kịp thời nên anh đã qua giai đoạn nguy hiểm.

Nằm trên giường bệnh, anh M. vẫn chưa hết hoàn hồn, kể tối đêm trước đó mưa rất lớn. Do chủ quan, anh không mặc đồ bảo hộ, khi tay vừa chạm vào cán lá cờ còn ướt thì bị điện cao áp phóng điện.

Hai trường hợp gần đây nhất bị phỏng điện phải đoạn chi rất thương tâm đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Bệnh nhân S.C (39 tuổi, người Campuchia) nhập viện trong tình trạng phỏng điện 16% độ 2, 3, 4 ở tứ chi.

Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc ông C. leo lên nóc sửa nhà thì bị điện giật. Sau khi được sơ cứu tại BV địa phương, do vết thương quá nặng nên ông C. được chuyển sang BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Kinh hoàng phỏng điện - Ảnh 1.

Một bệnh nhân phỏng điện phải cắt cụt chi ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân C. nhập viện ngày 10-6 trong tình trạng chân tay lạnh, co quắp. Mặc dù được tích cực điều trị, cắt lọc da hoại tử nhưng vì vết phỏng quá sâu nên buộc phải đoạn cả 4 chi để giữ tính mạng cho bệnh nhân. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua nguy kịch nhưng phải chịu cảnh sống tàn phế suốt đời.

Một trường hợp thương tâm khác là bệnh nhân N.A.K (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định). Ông K. là thợ hồ, trong một lần đang xây dựng trên cao thì chẳng may bị điện cao thế phóng giật té xuống đất, chấn thương sọ não và phỏng nặng ở 2 tay, chân trái.

Ngồi bên giường bệnh, đôi mắt đỏ hoe, chị L.T.M (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) nhìn chồng đau đớn đang cố từng giây để giành giật sự sống, thổn thức: "Rồi đây, ai sẽ lo cho 3 mẹ con tôi".

Theo bác sĩ Hiệp, bệnh nhân K. đã phải trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử nhưng vẫn không giữ lại được 2 tay và chân trái.

Điện đi đến đâu, tổn thương đến đó

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp thông tin phỏng do điện cao thế hầu hết là phỏng sâu, tiên lượng rất xấu nếu diện tích phỏng lớn và ở các vị trí nguy hiểm. Điểm vào và điểm ra của dòng điện cao thế gây hoại tử khô cứng, trong khi đường dẫn của dòng điện đi đến đâu sẽ tổn thương đến đó.

Tổn thương mạch máu, hoại tử sâu ở chi là điều gần như xảy ra ở tất cả bệnh nhân phỏng điện cao thế có điểm vào ở tay và điểm ra ở chân. Hay gặp nhất là tổn thương ở bàn tay, cổ tay gây đông, tắc động mạch quay, động mạch trụ và toàn bộ khối cơ vùng bàn tay, cổ tay. Nếu tổn thương phỏng quá rộng hoặc hoại tử các khối cơ lớn sẽ làm phóng thích một lượng lớn độc tố phỏng gây hiện tượng nhiễm độc nặng toàn thân và suy gan, suy thận cấp.

Phỏng điện còn gây tổn thương thần kinh đối với các trường hợp điểm vào ở vùng đầu. Có trường hợp hoại tử hết độ dày của xương sọ đến tận màng não. 

Trịnh Thiệp - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe