Bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm chia sẻ với các cặp vợ chồng những kiến thức hữu ích trước kỳ chị em vượt cạn.
Chồng của thai phụ Diễm Hương (24 tuổi, ở quận Ninh Kiều) đặt câu hỏi: “Nhờ bác sĩ giải thích thêm về phương pháp giảm đau trong chuyển dạ và liệu bên cạnh ưu điểm thì phương pháp này có gây tác dụng phụ hay rủi ro gì cho thai phụ?”. Trước thắc mắc này, bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm giải thích, phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp thai phụ giảm đau trong chuyển dạ đã được thực hiện rất lâu trên thế giới và tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, kỹ thuật này đã thực hiện rất hiệu quả hơn 5 năm qua.
Bác sĩ Liêm cho biết, khi thực hiện kỹ thuật giảm đau trong chuyển dạ, bác sĩ chuyên khoa gây mê sẽ đưa thuốc vào khoang ngoài màng cứng ở phía sau lưng sản phụ, sẽ giúp giảm hơn 70% cảm giác đau, trong khi chuyển dạ vẫn diễn ra tự nhiên. Sau sanh, sản phụ ít mất sức, tinh thần vẫn ổn định, có lợi cho việc chăm sóc con sau sanh, sớm có sữa cho con bú. Hiệu quả thành công của phương pháp này được ghi nhận là trên 99%. Theo y văn, phương pháp này cũng có tác dụng phụ như phản ứng thuốc tê, tùy vào cơ địa của mỗi người. Ngoài ra, một số chị em có thể bị đau nhẹ vùng lưng hay nhức đầu trong vài ngày đầu sau sanh nhưng hiếm gặp.
Cùng với phương pháp giảm đau trong chuyển dạ, thời gian qua, BV Phụ sản TP Cần Thơ cũng thực hiện dịch vụ sanh gia đình, tạo điều kiện cho người thân đồng hành cùng chị em trong quá trình vượt cạn.
Tại buổi chia sẻ về những kiến thức tiền sản, bác sĩ Liêm còn giúp chị em nhận diện những dấu hiệu chuyển dạ sanh, phân biệt với các dấu hiệu chuyển dạ giả; có thêm hiểu biết về các giai đoạn chuyển dạ, việc ăn uống trong giai đoạn chuyển dạ, vấn đề vận động… Bác sĩ căn dặn chị em, đừng quá nôn nóng khi thấy có dấu hiệu chuyển dạ mà sao chưa sanh em bé vài giờ sau đó, vì giai đoạn chuyển dạ có khi kéo dài từ 12 giờ đến 20 giờ. Qua kiểm tra âm đạo, độ mở của cổ tử cung, bác sĩ mới chẩn đoán được thời điểm nào thai phụ bước vào giai đoạn chuyển dạ. Trong thời gian chuyển dạ, chị em có thể vận động nhẹ nhàng; đồng thời, chị em vẫn có thể ăn uống bình thường với các thức ăn dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn có mùi nồng, cần uống nhiều nước, để cung cấp đủ năng lượng, tránh mất nước, đủ sức cho quá trình chuyển dạ.
Dưới sự hướng dẫn kỹ năng của cán bộ y tế, chị em sẽ thực hiện các giai đoạn chuyển dạ. Chị em cần thực hiện hít sâu vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Bác sĩ Liêm nhắn nhủ: “Được mang thai, sanh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Vì vậy, mặc dù cuộc sanh có khiến chị em khá đau đớn, nhưng chị em cần mạnh mẽ, kiên trì rặn sanh đúng cách cho đến khi đứa con yêu quý chào đời!”.
Ngay sau sanh, bé sẽ được trao ngay cho vòng tay mẹ, để thực hiện da kề da, để mẹ con truyền hơi ấm và yêu thương cho nhau. Khi đó, em bé sẽ được bú sớm nguồn sữa non quý giá, chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong giai đoạn đầu đời. Bác sĩ Liêm cũng lưu ý sản phụ và gia đình cần nhận biết một số bất thường có thể gặp phải của bà mẹ và bé sau sanh, kịp thời báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, người thân cần chú trọng chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất dinh dưỡng cho sản phụ với các thực phẩm đa dạng và có thể bổ sung thêm năng lượng từ sữa. Mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn, mỗi cử bú cách nhau 2-3 giờ.
Về thắc mắc có nên nằm giường có để bóng đèn sưởi dưới gầm giường, hay có thể cho mẹ và bé ngủ phòng máy lạnh để giữ nhiệt độ ổn định, dù thời tiết có mưa hay nắng, bác sĩ Liêm cho rằng: Bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được nghỉ ngơi ở phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh. Không khí nóng quá hay lạnh quá đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hai mẹ con. Nếu cho trẻ sơ sinh ngủ ở phòng máy lạnh, nhiệt độ phòng nên giữ ổn định trong khoảng 25- 28 độ C. Ngoài ra, nếu sử dụng quạt hay máy lạnh, cần tránh luồng gió thổi trực tiếp vào người bé, khiến bé dễ bị bệnh.