Ảnh: New Atlas
Cụ thể, nhóm nghiên cứu tại Đại học Nottingham nhận thấy chỉ cần uống một ly cà phê là có thể kích thích “mỡ nâu” (BAT)- loại chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi béo phì và tiểu đường. BAT là một trong hai loại mỡ tồn tại trong cơ thể con người và các loài động vật có vú khác, bên cạnh mỡ trắng. Mãi đến những năm gần đây, khoa học mới chứng minh mỡ nâu cũng có ở người trưởng thành, chứ không chỉ ở trẻ sơ sinh. Khác với mỡ trắng vốn là kết quả của quá trình tích trữ quá nhiều calorie, BAT có chức năng chính là tạo nhiệt nhanh chóng bằng cách đốt cháy đường và chất béo, thường để giúp cơ thể phản ứng trước cái lạnh. Do vậy, người có chỉ số khối cơ thể (BMI) càng thấp thì lượng mỡ nâu trong người họ càng cao. Mỡ nâu chuyển hóa thức ăn thành năng lượng thông qua việc kích hoạt prôtêin tách cặp 1 (UCP1), vốn hiện diện trong ty thể của BAT.
Thật ra, chế độ ăn cũng có thể điều chỉnh chức năng UCP1 nhưng khả năng thúc đẩy hàm lượng và hoạt động của prôtêin này ở các chất dinh dưỡng thì vẫn chưa được làm rõ. Các nhà khoa học chỉ biết rằng tăng cường hoạt động mỡ nâu sẽ cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết cũng như nồng độ lipid máu và đốt cháy thêm calorie sẽ hỗ trợ giảm cân. Thế nhưng, vẫn chưa có công trình khoa học nào tìm ra phương pháp hiệu quả để kích thích hoạt động của mỡ nâu trong cơ thể người cho đến khi Giáo sư Michael Symonds và các cộng sự hoàn thành nghiên cứu của họ.
Theo đó, nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm trong ống nghiệm lẫn trên cơ thể người để đánh giá ảnh hưởng của caffeine, một thành phần trong cà phê, đối với quá trình sinh nhiệt ở mỡ nâu. Đầu tiên, họ cho các tế bào tích trữ mỡ của chuột (tách từ tế bào gốc) tiếp xúc với caffeine và nhận thấy sự tiếp xúc này làm tăng hàm lượng UCP1, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển hóa của các tế bào. Sau khi xác định kết quả trên chính xác, nhóm nghiên cứu tiếp tục thí nghiệm trên người. 9 người tham gia khỏe mạnh được yêu cầu uống một gói cà phê có chứa khoảng 65mg caffeine. Mỡ nâu chủ yếu tập trung ở vùng cổ, nên các nhà khoa học chụp ảnh nhiệt từng người ở thời điểm 30 phút sau khi họ uống cà phê để xem mỡ nâu có nóng hơn không, tức khả năng sinh nhiệt của chúng. Kết quả rất đáng mừng khi việc uống cà phê đã kích thích quá trình sinh nhiệt ở những vùng tích trữ mỡ nâu trong cơ thể.
Hai thí nghiệm nói trên chỉ ra rằng caffeine có thể thúc đẩy các chức năng của mỡ nâu và loại thức uống này có tiềm năng được ứng dụng để trị bệnh cho người lớn. Phát hiện càng có ý nghĩa bởi béo phì đang đặt ra nỗi lo lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, kích thích mỡ nâu cũng có thể là một trong những giải pháp ngăn chặn “đại dịch” tiểu đường đang lan rộng hiện nay.