Bác sĩ Đỗ Thị Thảo kiểm tra tình trạng răng miệng cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thúy H. (30 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp), vừa trải qua ca phẫu thuật do viêm mũi xoang mạn nặng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân giảm hẳn các triệu chứng đau nhức vùng mũi, mặt và má. Chị H. cho biết, hơn 10 năm qua, chị chịu đựng các triệu chứng khó chịu của bệnh xổ mũi, nhảy mũi và gần đây bệnh trở nặng, mũi tiết dịch xanh, kèm mùi hôi. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh viêm mũi xoang mạn nghi do nấm, nguyên nhân có một răng hàm trên bị sâu, làm vi khuẩn phát triển từ răng vào xoang hàm phía trên. Do vậy, chị H. cần tiếp tục đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị sâu răng, tránh bệnh tái phát và biến chứng.
Theo chuyên gia nha khoa, nhiều lý do dẫn đến tình sâu răng cao, do thói quen ăn nhiều chất bột đường, đánh răng không thường xuyên, ngại đi khám răng miệng định kỳ, mức thu nhập thấp, nên khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc nha khoa bị hạn chế… Người dân chỉ đi đến nha sĩ khám răng khi có vấn đề về răng miệng như sưng mặt, đau răng, chảy máu răng, chảy mủ… Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Thảo, Trưởng liên Bộ môn bệnh học Miệng – Nha chu, Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, sâu răng có thể có các biến chứng nghiêm trọng và lâu dài, ngay cả đối với trẻ chưa có răng vĩnh viễn. Các biến chứng bao gồm: đau nhức; áp xe răng; sưng hoặc mủ quanh răng; gây hư hỏng hoặc gãy răng; khó khăn ăn nhai; gây mất răng, ảnh hưởng thẩm mỹ; răng còn lại xô lệch khi mất răng kế cận; gây giảm cân hoặc các vấn đề dinh dưỡng do đau hoặc khó ăn hoặc nhai. Một số ít trường hợp, áp xe răng - túi mủ do nhiễm vi khuẩn - có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Với bệnh lý sâu răng, nếu người bệnh không điều trị sớm, kịp thời, đúng cách, có thể biến chứng gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Viêm mô tế bào là tình trạng viêm nhiễm khuẩn xảy ra ở mô mềm vùng cổ mặt. Một số triệu chứng thường gặp: Sưng phù, đau phần mềm quanh hàm, vùng mặt cổ; da phủ nóng, đỏ; sờ khám căng cứng; khít hàm. Bệnh có biểu hiện toàn thân: sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém, há miệng khó. Viêm mô tế bào lan tỏa sàn miệng là một nhiễm trùng do vi khuẩn nhiễm trùng từ răng lan tỏa của các khoang mô mềm vùng cổ gây chèn ép đường thở, có thể dẫn đến tử vong.
Một biến chứng khác của bệnh sâu răng là viêm xoang hàm, thường gặp ở người lớn do nhiễm khuẩn quanh chóp răng, nang chân răng làm mủ vỡ vào xoang, biến chứng của răng nanh hoặc răng khôn mọc ngầm, tai biến do nhổ răng... Biến chứng này thường có 3 dạng. Đó là viêm mủ xoang hàm do răng, triệu chứng giống viêm xoang cấp như đau mặt âm ỉ, sốt, người bệnh ngửi thấy mùi hôi, chảy mủ từ lỗ mũi bên xoang bị bệnh. Dạng thứ hai là viêm xoang hàm cấp, gây sốt cao, nhức đầu, mất ngủ, vật vã, đau từng cơn lan rộng, đau tăng khi cử động mạnh hoặc khi người bệnh cúi đầu, hay dịch chảy qua lỗ mũi bên bị bệnh, lúc đầu loãng sau trở thành nhày mủ, mủ có mùi hôi... Dạng thứ ba là viêm xoang hàm mạn, khiến người bệnh đôi khi mệt mỏi, nhức đầu, chảy mủ màu vàng xanh bên bị bệnh, chảy nhiều vào buổi sáng sớm, có mùi hôi làm cho người bệnh buồn nôn, đau ít hơn viêm xoang cấp, thường tắc mũi bên xoang bệnh.
Bệnh sâu răng có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và vị trí của lỗ sâu. Do vậy, để phòng ngừa sâu răng và những biến chứng của bệnh, bác sĩ Đỗ Thị Thảo khuyến cáo, mọi người cần: chăm sóc răng miệng thường xuyên, đúng cách; dùng kem đánh răng, súc miệng với nước có flour; dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng; khám răng miệng định kỳ; trám răng sealant phòng ngừa ở trẻ nhỏ. Tránh ăn thường xuyên thức ăn bột đường, ngọt; tránh hút thuốc lá và uống rượu.