Gần đây, anh N.T.H (19 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng, to dần lên nên đi khám. Các bác sĩ thông báo anh bị bướu tinh hoàn và khuyên nên đi trữ tinh trùng trước khi can thiệp điều trị.
Cú sốc đời trai mới lớn
Nghe bác sĩ nói mà H. choáng váng. Anh phải hỏi đi hỏi lại bác sĩ rất nhiều lần vì không tin mình mắc bệnh này khi còn rất trẻ như vậy. Đáng nói là khối u ác tính đã di căn, phải cắt bỏ tinh hoàn, hóa trị để điều trị triệt căn ung thư.
Trong khi đó, Trung tâm Nam học Bệnh viện (BV) Việt Đức (TP Hà Nội) mới đây cũng tiếp nhận một bệnh nhân 26 tuổi, ở Hòa Bình, bị ung thư tinh hoàn và buộc phải cắt bỏ một phần "của quý". Bệnh nhân đã lập gia đình được 1 năm, chưa có con và phát hiện bệnh trong một lần tình cờ đi khám vô sinh. Người đàn ông này có tiền sử bị tinh hoàn ẩn và từng được phẫu thuật.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) phẫu thuật một bệnh nhân trẻ bị ung thư tinh hoàn Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Theo PGS-TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, qua thăm khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân có tinh hoàn phải to chắc, đau nhức, biến đổi hình thái so với tinh hoàn trái.
"Với trường hợp này, nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời, tổn thương ung thư tinh hoàn sẽ phát triển, xâm lấn các cơ tổ chức lân cận, di căn các cơ quan khác và ức chế tinh hoàn trái phát triển. Tuy nhiên, do bệnh nhân đã lập gia đình và chưa có con nên các bác sĩ quyết định lấy tinh trùng gửi vào ngân hàng mô trước khi phẫu thuật" - bác sĩ Quang thông tin.
Theo ThS-BS Trần Đoàn Thiên Quốc, Khoa Nam học BV Bình Dân (TP HCM), ung thư tinh hoàn vốn được xem là bệnh ít gặp, theo y văn chỉ chiếm chừng 1% ung thư ở nam giới. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 2 năm 2017 và 2018, Khoa Nam học BV Bình Dân đã tiếp nhận, điều trị lần lượt 63 và 78 trường hợp ung thư tinh hoàn. Hầu hết ở độ tuổi khá trẻ, trung bình ngoài 30, trong đó có nhiều thanh niên từ 16-19 tuổi.
Đặt tinh hoàn giả
Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác.
Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư tinh hoàn là tinh hoàn ẩn; còn lại do tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn... So với các loại ung thư khác, ung thư tinh hoàn có tỉ lệ chữa khỏi rất cao. Thế nhưng, do các dấu hiệu của bệnh ung thư tinh hoàn khó phát hiện và dễ nhầm lẫn nên đa số bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Theo các bác sĩ, tinh hoàn đóng vai trò như "nhà máy" sản xuất tinh trùng và tiết ra tuyến nội tiết tố nam testosterone - đặc trưng của phái mạnh và điều khiển các hoạt động sinh dục. Tinh hoàn cũng chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng tinh trùng. Nếu nam giới bị ung thư tinh hoàn sẽ khiến khả năng sản xuất tinh trùng giảm sút, gây suy giảm chức năng sinh sản, có nguy cơ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn, thậm chí gây suy giảm ham muốn tình dục.
Việc giữ lại "phong độ" cho những người đàn ông chẳng may mắc bệnh này không phải là hết cách. Theo BS Trần Đoàn Thiên Quốc, ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 95%. Điều trị chính trong ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt tinh hoàn có chứa bướu. Sau khi phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mà có thể phối hợp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân.
PGS-TS Nguyễn Quang cho hay cũng giống như các bệnh ung thư khác, với những trường hợp ung thư tinh hoàn có chỉ định cắt tinh hoàn, một số trường hợp cũng được khuyến cáo nên đặt tinh hoàn giả cho bệnh nhân với mục đích ổn định tâm lý sau khi cắt tinh hoàn. Người phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn chưa lập gia đình hoặc muốn có thêm con nên thu giữ tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng trước khi phẫu thuật bởi trong quá trình điều trị có thể gây mất tinh trùng hoặc suy yếu tinh trùng.
Theo các bác sĩ, để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới, nhất là những người trong độ tuổi 15-35 tuổi, cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng.
"Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng cần đến BV có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, chớ chủ quan" - BS Quốc lưu ý.