Chăm trẻ non tháng, nhẹ cân

Thứ ba, 23 Tháng 7 2019 15:04 (GMT+7)
Những em bé chào đời khi chưa “đủ ngày, đủ tháng” thường đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe. Ðiều này đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng từ cán bộ y tế và người thân trong gia đình.

Bác sĩ khuyến cáo các mẹ nên cho trẻ nhẹ cân non tháng bú sữa mẹ hoàn toàn.  

Trường hợp tam thai chào đời mới đây tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, thai phụ ở tỉnh Trà Vinh mang thai ở tuần thứ 35, ngôi không thuận, đặc biệt có dấu hiệu suy thai. 3 bé gái chào đời với 2 bé có cân nặng 1,6kg và 1 bé cân nặng 1,7kg. Do sinh non tháng và nhẹ cân, các bé đều có dấu hiệu suy hô hấp nên ngay sau sinh được chuyển đến phòng hồi sức tích cực sơ sinh - Khoa Nhi của BV. Các bé được theo dõi, chăm sóc đặc biệt liên tục, được ủ ấm và hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực dương liên tục không xâm lấn (NCPAP), kiểm soát thân nhiệt để tránh hạ nhiệt độ, hạn chế tối đa thủ thuật xâm lấn và nuôi ăn đường tĩnh mạch.

Ngoài ra, sinh non ở tuần thứ 35, các bé có biểu hiện nhiều cơn ngưng thở, phản xạ bú yếu, hô hấp co lõm ngực nhiều, phải điều chỉnh nồng độ oxy cho mỗi bé ở mức tối thiểu để đảm bảo nồng độ oxy trong máu và hạn chế tác dụng không mong muốn về bệnh lý võng mạc sau này của các bé. Các bé còn được nuôi dưỡng và chăm sóc trong môi trường hoàn toàn vô trùng. Trong những ngày đầu các bé được nuôi ăn qua ống thông dạ dày bằng sữa mẹ hoàn toàn. Sau 1 tuần điều trị tích cực, 3 bé bắt đầu tự bú và thở đều, thân nhiệt dần ổn định. Đến ngày tuổi thứ 9, các bé được đưa ra phòng ngoài cho mẹ và gia đình chăm sóc, sức khỏe ba bé dần tiến triển tốt, tăng cân và được xuất viện ngày với cân nặng lần lượt là 1,8kg, 1,750kg và 1,7kg.

Bác sĩ chuyên khoa nhi Quách Thị Kim Phúc, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, trẻ sơ sinh được xếp non tháng nhẹ cân khi tuổi thai dưới 35 tuần và có cân nặng dưới 2kg. Tất cả trẻ này được chuyển vào đơn vị chăm sóc đặc biệt, bởi các cháu thường gặp các nguy cơ hạ thân nhiệt, kém hấp thu, trào ngược dạ dày thực quản, ngưng thở, hội chứng suy hô hấp và viêm ruột hoại tử. Trẻ có tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ càng cao. Nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cũng thường gặp trên nhóm trẻ này.

Theo bác sĩ Kim Phúc, các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh gồm bỏ bú hoặc bú kém; co giật, lơ mơ hoặc hôn mê; giảm hoặc ít cử động khi kích thích; thở nhanh (trên 60 lần/phút); thở rên, rút lõm ngực nặng; tăng thân nhiệt trên 380C, hạ thân nhiệt dưới 35,50C; tím trung ương. Trẻ bị vàng da nặng, chướng bụng nhiều là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, một số triệu chứng cho thấy trẻ bị nhiễm trùng khu trú như: triệu chứng viêm phổi, mụn mủ nhiều hay nặng, đỏ da ra xung quanh chân rốn, rốn chảy mủ, thóp phồng, đau khớp, sưng khớp, giảm cử động và linh hoạt. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào thì trẻ cần được theo dõi sát và xử trí nhanh chóng nhằm bảo vệ tính mạng cho trẻ.

Trẻ sơ sinh non tháng nhẹ dễ rơi vào tình trạng suy hô hấp, đặc biệt hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh trẻ sẽ có những cơn ngưng thở. Bốn triệu chứng lâm sàng đặc trưng của suy hô hấp thường xuất hiện trong vòng 4 giờ sau sinh: thở nhanh, thở rên, thở co lõm ngực hoặc co kéo cơ liên sườn, tím tái. Trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 2kg) lâm sàng ổn định được chăm sóc Kangaroo ngay khi vừa sinh và liên tục cả ngày lẫn đêm nhằm giữ nhiệt độ trung tâm 36-370C, chân ấm và hồng. Vấn đề dinh dưỡng cho nhóm trẻ này rất quan trọng, các bác sĩ khuyến khích mẹ cho bé bú trực tiếp. Nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ ra ly và đút bằng muỗng hoặc nuôi ăn thông qua sonde dạ dày; đảm bảo môi trường xung quanh trẻ được vô trùng tối thiểu... 

Trẻ sinh non nhẹ cân có thể được xuất viện khi không còn dấu hiệu nguy hiểm hoặc nhiễm trùng nặng; tăng cân tốt và bú tốt; có thể tự ổn định thân nhiệt trong giới hạn bình thường; đặc biệt, người mẹ có đủ khả năng chăm sóc trẻ. Trẻ sinh non nhẹ cân có thể được tiêm ngừa theo lịch ngay sau khi sinh, các mũi tiêm ngừa tiếp theo phụ thuộc vào thời điểm xuất viện.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe