Bệnh lý tuyến giáp

Thứ sáu, 02 Tháng 8 2019 16:15 (GMT+7)
Chương trình tầm soát miễn phí bệnh lý tuyến giáp từ ngày 22-7 đến 2-8-2019 tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, chỉ trong 10 ngày, gần 2.000 bệnh nhân được tầm soát. Chương trình do BV phối hợp với các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân tại cộng đồng. Hoạt động nằm trong dự án “Vì cuộc sống tươi đẹp cho bệnh nhân tuyến giáp” do quỹ Merck Family hợp tác với BV Nội tiết Trung ương phát động từ tháng 7-2018.

Cán bộ y tế BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ siêu âm kiểm tra tuyến giáp cho người bệnh.

Cán bộ y tế BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ siêu âm kiểm tra tuyến giáp cho người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, tuyến giáp đóng vai trò giải phóng các hormone, có hình dạng con bướm ở phía trước cổ. Bộ phận này dễ viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập. Qua nhiều nghiên cứu, tỷ lệ mắc các bệnh tuyến giáp khoảng 30% trong số những người từ 18 – 65 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi và thường gặp ở phụ nữ (tỷ lệ 5 nữ/nam). Bệnh thường khởi phát và phát triển từ từ, thường bị bỏ sót không được chẩn đoán với tỷ lệ từ 20%–60% trong tổng số người mắc bệnh. Nhiều người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn nặng.

Bác sĩ Vũ Long Tuyền, BV Đa khoa Hòa Hảo – Medic Cần Thơ cho biết, các bệnh về tuyến giáp như bướu giáp hay viêm giáp sẽ luôn đi kèm với biểu hiện rõ ràng nhất là cổ sưng hay bướu cổ, khiến việc hô hấp hay nói chuyện gặp khó khăn. Đau cơ khớp cũng là một trong những triệu chứng của bệnh tuyến giáp. Đối với bệnh suy giáp, bệnh nhân thấy tê ngứa cánh tay do lượng hormone tín hiệu bị thiếu, dẫn đến việc não gửi thông tin đến các cơ chậm hơn bình thường. Người bệnh sẽ dễ bị rụng lông và tóc, da trở nên đặc biệt mẫn cảm. Còn người bệnh cường giáp rất dễ bị cứng khớp và khó phối hợp các chi.

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt cũng là một trong những triệu chứng nhận biết bệnh lý về tuyến giáp. Nếu các kỳ kinh đến sớm với tần suất cao bạn có thể do bệnh nhân bị suy giáp; còn nếu kỳ kinh ngắn hơn, ít xuất hiện thì có thể bị cường giáp. Tình trạng này là do nồng độ hormone thay đổi, gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Lượng cholesterol trong máu thay đổi thất thường, cũng như các rắc rối liên quan đến đường tiêu hóa cũng là dấu hiệu liên quan bệnh lý tuyến giáp. Người bị suy giáp dễ bị táo bón còn người cường giáp thường tiêu chảy và đau bụng. Không chỉ vậy, hormone từ tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến vấn đề tim mạch, dẫn đến tình trạng kích thích làm tăng giảm nhịp tim và sức bơm máu. Cường giáp khiến huyết áp bị chậm còn suy giáp khiến huyết áp tăng nhanh. 

Ngoài ra, cường giáp còn gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Khi tuyến giáp hoạt động không tốt, khiến người bệnh luôn cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Người bệnh cường giáp luôn có cảm giác đói liên tục và dù ăn bao nhiêu vẫn bị giảm cân. Còn bệnh nhân suy giáp lại không có cảm giác muốn ăn và dù không ăn vẫn tăng cân bất  thường.

Trong các loại ung thư thì ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư và là ung thư nội tiết tố thường gặp nhất. Bệnh không đáng sợ nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh lên đến hơn 97%. Bệnh thường gặp ở nữ trong độ tuổi từ 20–50. Giai đoạn đầu, bệnh hầu như không có biểu hiện gì. Bệnh nhân vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường nên rất khó phát hiện. Bệnh chỉ có thể được phát hiện tình cờ qua siêu âm, khám định kỳ. Đôi khi, bệnh nhân có thể thấy đau cổ, hàm hoặc tai. Trễ hơn nữa, khi ung thư đã di căn, người bệnh có thể thấy vướng khi nuốt, khó thở hoặc thay đổi giọng nói… Lúc này, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn.

Qua siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện ra các hạt giáp (khối u trong tuyến giáp). Tuy nhiên, để xác định nhân giáp này lành tính hay ác tính, có phải là ung thư tuyến giáp hay không, bệnh nhân phải trải qua xét nghiệm chọc hút tế bào. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được tiếp tục điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc chỉ cần theo dõi. Ngoài ra, sau quá trình phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ, bệnh nhân cần được điều trị nội tiết và theo dõi chặt chẽ, nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ bệnh tái phát, đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Bài, ảnh: HẢI TIẾN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe