Căng thẳng vì... sốt xuất huyết

Thứ bảy, 03 Tháng 8 2019 14:38 (GMT+7)
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (10 ca tử vong), gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018. Số ca mắc tiếp tục gia tăng và có xu hướng lan rộng khi mùa mưa vẫn tiếp tục.

Sốt xuất huyết... vào “mùa”

Ngày 1/8, PGS-TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã dần đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) của phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Tính từ đầu năm 2019, Minh Khai có 89 ca mắc SXH, là 1 trong 3 xã phường có số ca mắc SXH cao nhất thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, phường Minh Khai có nhiều nguy cơ mắc SXH khi trên địa bàn còn trên 300 bể chứa nước hở chưa được xử lý; học sinh, sinh viên, người lao động thuê trọ đang tập trung lớn trên địa bàn (ước tính khoảng 10.000 người); ... là  những nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản.

Theo PGS Hạnh, số ca SXH cũng gia tăng trong tháng 6-7. Tuần cuối cùng của tháng 7 đã tăng thêm 232 ca mới. Như vậy, tính từ đầu năm, toàn TP.Hà Nội có hơn 1.600 ca SXH, hiện đang có 212 ca đang điều trị và chưa có trường hợp nào tử vong. Ông Hạnh nhận định, dù số ca mắc SXH năm nay vẫn thấp hơn so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (2014-2018), nhưng đang tăng nhanh trong vài tuần gần đây. Nếu các cơ quan chức năng, chính quyền, người dân lơ là chống phòng chống SXH, dịch bệnh có thể lan rộng bất cứ lúc nào.

cang thang vi... sot xuat huyet hinh anh 1

 Bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - nhi tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang)

Các tỉnh phía Nam là những địa phương có số ca mắc SXH tăng cao, từ đầu năm 2019 đến nay đã có gần 50.000 người mắc bệnh SXH, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và tính đến nay đã có 6 trường hợp tử vong. TP.HCM là nơi có nhiều ca mắc nhất với 24.768 SXH, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái (8.959 ca). Số ca bệnh tăng cao đã khiến một số bệnh viện quá tải. 

Duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động diệt lăng quăng, bọ gây trên địa bàn ngay trong tháng 7/2019 và duy trì 1 tuần/lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Huy động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới) cho biết do diễn biến bệnh phức tạp, tình hình SXH năm nay có nhiều biến động hơn so với 2018. Số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018. Những ca nặng, tử vong của bệnh viện cũng tăng cao, đã có hơn 10 ca bệnh nặng dẫn đến tử vong từ đầu năm nay. Dù mới đầu kỳ mùa dịch nhưng số ca bệnh đã tăng cao nên dự báo đến cuối năm 2019, sang tháng Giêng 2020, tình hình sẽ còn căng thẳng hơn.

Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu tháng 6 hàng năm khi mùa mưa bắt đầu, các ca bệnh SXH gia tăng hằng tuần. Hơn 2.400 trường hợp mắc SXH điều trị tại trung tâm từ đầu năm đến nay, trong đó 2 trường hợp tử vong.

Là tỉnh có số mắc cao nhất miền Trung, tình hình SXH của tỉnh Khánh Hòa khá phức tạp. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho thấy, từ đầu năm đến ngày 17/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6.942 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (1 ca tử vong), phát hiện và xử lý hơn 340 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng hơn 5 lần, số ổ bệnh tăng gấp 8 lần.

Cấp bách phòng dịch

Bà Trần Thị Tuyết Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa nhận định, năm nay, bệnh SXH trên địa bàn tỉnh có diễn biến bất thường. Theo bà Mai, theo chu kỳ dịch, dự báo số ca mắc SXH tại Khánh Hòa có thể sẽ tăng cao vào năm 2019 và bùng phát mạnh vào năm 2020 nếu như không có các biện pháp phòng chống cấp tập.

“Thời tiết nắng mưa xen kẽ liên tục làm phát triển mạnh các ổ bọ gậy, đồng thời cản trở phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, TP.Nha Trang bùng nổ về lượng khách du lịch và các công trình xây dựng. Theo thống kê năm 2018, thành phố có đến 400 công trình xây dựng dang dở và năm 2019 cũng còn rất nhiều các công trình, là môi trường lý tưởng làm đọng nước mưa và bùng phát ổ bọ gậy. Hơn nữa, việc giám sát và xử lý ổ bọ gậy còn khó khăn do thiếu người, tiếp cận khó và khó quy trách nhiệm, xử phạt chủ đầu tư của các công trình này. Hiện người dân cũng còn thờ ơ chưa coi trọng việc dọn các ổ bọ gậy” – bà Mai nhận định.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, hoạt động phòng, chống SXH chỉ hiệu quả khi có sự tham gia của cả cộng đồng. Tại TP.HCM, ngành y tế triển khai chiến lược kiểm soát nguy cơ để hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy vậy, chính quyền và các đoàn thể không thể thay thế người dân thực hiện tại cơ sở phòng bệnh SXH bằng cách loại bỏ các vật chứa hoặc các ổ lăng quăng trong nhà, trong khuôn viên quản lý của mình. Thậm chí có nơi còn không hợp tác khi không cho nhân viên y tế vào nhà phụ hóa chất diệt muỗi. 

“Nguy cơ SXH có mặt ở tất cả mọi ngôi nhà, chỉ cần một lọ chứa nước bị bỏ quên hoặc một lu nước không được đậy kín… đều có thể tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển thành muỗi và đốt người, lây truyền dịch bệnh” – ông Dũng khuyến cáo.

PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc/100.000 dân cao nhất nước là Khánh Hoà, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương,...

PGS - TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

Tây Nguyên, miền Trung có nguy cơ báo động về SXH

“Theo chu kỳ dịch bệnh SXH 4 - 5 năm sẽ quay lại một lần. Như vậy, năm nay chúng ta phải đặc biệt lưu ý các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, phải rất cảnh giác với những khu vực này bởi sẽ có nguy cơ báo động về SXH. Còn ở Hà Nội trước đây SXH bùng phát từ tháng 4 đến tháng 10 nhưng giờ thời tiết biến đổi mùa nóng kéo dài thì dịch cùng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11-12. Đặc biệt Hà Nội có nhiều công trình xây dựng, khu nhà trọ giá rẻ cho sinh viên, công nhân, lao động tự do nên có nhiều dụng cụ chứa nước tạm bợ, người dân ngủ không mắc màn… Đây là điều kiện khiến dịch SXH dễ bùng phát. Các địa phương cần lưu ý vào tình hình thời tiết, môi trường sống, đặc điểm dân cư để có các biện pháp phòng chống SXH hữu hiệu. Đặc biệt phải tuyên truyền để người dân chủ động diệt bọ gậy".

Diệu Linh - Thuận Hải - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe