Vụ chiến sĩ CSCĐ nén đau cứu cháu bé tránh nuốt lưỡi: Có nên đưa ngón tay vào miệng trẻ?

Thứ hai, 05 Tháng 8 2019 16:09 (GMT+7)
Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) nén đau cấp cứu cổ động viên nhí có dấu hiệu nuốt lưỡi trên sân Thiên Trường chiều 4-8 gây xúc động cho nhiều người nhưng dưới góc độ chuyên môn, các bác sĩ đã chỉ ra những sai lầm thường gặp khi xử lý trẻ bị sốt cao, co giật.

Vụ chiến sĩ CSCĐ nén đau cứu cháu bé tránh nuốt lưỡi: Có nên đưa ngón tay vào miệng trẻ? - Ảnh 1.

Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động nén đau, sơ cứu cho cậu bé tránh cắn vào lưỡi khi bị ngất ở trận đấu giữa Nam Định và HAGL chiều 4-8 - Ảnh: Đức Anh

Một cổ động viên nhí có dấu hiệu nuốt lưỡi đã được lực lượng cảnh sát cơ động sơ cứu, vận chuyển ra xe cấp cứu trong trận Nam Định gặp HAGL trên sân Thiên Trường chiều 4-8. Hình ảnh ghi lại cho thấy CĐV "nhí" có dấu hiệu mất ý thức, được một chiến sĩ cảnh sát cơ động bế, một chiến sĩ khác thì lấy tay cho vào miệng để tránh tình trạng nuốt lưỡi. Người cảnh sát cơ động lộ rõ gương mặt đau đớn do cậu bé vẫn cắn chặt miệng.

Chia sẻ liên quan đến việc sơ cứu các ca va chạm trên sân bóng, bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) từng cho biết các tình huống này trong y khoa được gọi tụt lưỡi. Khi nạn nhân hôn mê và nằm ngửa thì lưỡi sẽ bị tụt xuống họng gây cản trở hô hấp. Việc tụt lưỡi có thể xuất hiện trong trường hợp bệnh nhân bị phù nề sàn miệng (hay gặp trong vết thương sàn miệng) hoặc gãy cành ngang hai bên, hoặc vỡ nát vùng cằm và cành ngang.

Theo bác sĩ Chính, động tác sơ cứu này là một hành động đẹp nhưng dưới góc độ y khoa, cách sơ cứu trên chưa hẳn là hoàn hảo. "Khi gặp một người bỗng nhiên lên cơn co giật, đầu tiên, hãy bình tĩnh đặt trẻ nằm nghiêng. Khi trẻ được nằm nghiêng, đường thở sẽ được thông thoáng, nếu có đờm dãi thì sẽ chảy ra ngoài, không bị rơi vào phổi tắc thở rất nguy hiểm. Không vây quanh trẻ mà hãy giãn ra xung quanh để trẻ có môi trường thông thoáng. Đồng thời gọi người hỗ trợ và gọi ngay dịch vụ cấp cứu. Sau vài giây đến vài phút thì cơn giật động kinh tự hết và bệnh nhân tỉnh lại. Tuyệt đối không cho vật cứng vào miệng, không tiêm hay chọc đầu ngón tay vào miệng người đang lên cơn co giật để cố định lưỡi"- bác sĩ Chính lưu ý.

Vụ chiến sĩ CSCĐ nén đau cứu cháu bé tránh nuốt lưỡi: Có nên đưa ngón tay vào miệng trẻ? - Ảnh 2.

Bác sĩ khuyên không dùng đũa ngáng miệng để ngừa bệnh nhân cắn lưỡi lúc co giật

Giới chuyên môn cũng cho biết xử trí tốt nhất khi thấy người bỗng dưng co giật là để nạn nhân giật một cách tự nhiên, không cố ôm, giữ, tì đè nạn nhân bởi việc ôm, giữ cũng không khiến nạn nhân hết cơn giật, thậm chí có thể gây chấn thương cho bệnh nhân. Sau khi hết co giật, tiến hành kiểm tra xem nạn nhân còn thở, còn mạch hay không. Trong trường hợp nạn nhân không có mạch hoặc ngừng thở, nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim thổi ngạt.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết khi sơ cứu người co giật, rất nhiều người dùng đũa ngáng ngang miệng vì sợ bệnh nhân cắn lưỡi hoặc một số cho tay vào miệng trẻ và chịu đau đớn vì cơn giật trẻ nghiến răng mạnh. 

Đây cũng là một sai lầm thường gặp của cha mẹ khi xử lý tình huống con bị sốt cao co giật, co giật. Việc cho ngón tay vào miệng bé dù trẻ đang cắn giật có thể dẫn đến bị cắn nát ngón tay. Cách làm này không có ý nghĩa trong việc cấp cứu co giật. "Trường hợp trẻ co giật do sốt, đừng vội vàng nhét thuốc, đổ thuốc hạ sốt vào miệng trẻ lúc này vì có thể gây sặc. Hãy cố gắng bình tĩnh, chỉ một vài chục giây trẻ sẽ hết giật" - PGS Dũng khuyên.

H.Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe