Thậm chí, nhiều website, fanpage quảng cáo sản phẩm còn “có công dụng tối ưu hơn cả thuốc Tây”…(?).
Trụ sở của Công ty TNHH Y dược Kinh Đô tọa địa chỉ Số 12 ngách 34 ngõ 100 Hoàng Quốc Việt, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
Thực phẩm nhưng lại quảng cáo là thuốc?
Cụ thể, trên trang web https://anhaudan.com và fanpage facebook An hầu đan đã đăng quảng cáo với nhiều bài viết liên quan đến sản phẩm TPCN có tên An hầu đan và An hầu đan kids gây hiểu nhầm là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Cụ thể là sản phẩm chỉ được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép quảng cáo dưới dạng TPBVSK, không phải là thuốc chữa bệnh. Thế nhưng cả 2 sản phẩm này dù đăng quảng cáo ở website hay fanpage facebook đều không ghi khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Hơn thế nội dung trên website còn sử dụng ý kiến, các tin nhắn và hình ảnh của bệnh nhân nói về tác dụng của An hầu đan như thuốc.
Việc này có dấu hiệu vi phạm Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Sản phẩm An Hầu Đan Kids được quảng cáo trên website https://dieutriviemva.com dùng hình ảnh bài viết bệnh nhân nói về sản phẩm như thuốc chữa bệnh.
Ngoài ra, các nội dung quảng cáo trên website anhaudan.com còn sử dụng các từ ngữ gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh như: “An hầu đan Kids đều đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế..., đảm bảo chiết xuất đủ 39 hợp chất quý giá... có tác dụng ức chế virus khởi nguyên gây viêm amidan ngăn chúng phát triển và khiến chúng tự diệt theo thời gian”. Hay như “Sử dụng An hầu đan kids ngay khi trẻ mới chớm gặp các dấu hiệu bệnh có tác dụng sát khuẩn tại chỗ, giảm ngay xung huyết phù nề, tiêu viêm nhanh chóng, làm thông thoáng đường thở cho trẻ”....
Nguy hiểm hơn các nội dung quảng cáo còn khuyên người bệnh không cần dùng tới kháng sinh như trong bài viết “Những đặc tính nổi trội của An hầu đan kids trong hỗ trợ điều trị viêm amidan, VA ở trẻ nhỏ” có đoạn: “An hầu đan là sự kết tinh của các loại thảo dược quý của người Việt. Nổi bật nhất là thành phần Cúc lục lăng - thảo dược chứa kháng sinh tự nhiên, khắc tinh của viêm amidan, viêm VA, giúp bất hoạt virus hiệu quả nhanh chóng, đẩy lùi nguyên nhân gây bệnh mà không cần phải sử dụng đến kháng sinh”.
Ngoài ra, rất nhiều bài viết dưới dạng phân tích các thành phần của sản phẩm có nội dung gây hiểu nhầm cho người bệnh về công dụng như thuốc tây như: “Thăng ma thường được phối vị cùng với các vị thuốc khác để giảm đau, kháng viêm, tiêu trừ giải độc. Đặc biệt Thăng ma đẩy mạnh tính kháng viêm trong An hầu đan, đồng thức ức chế không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và phát triển bên cạnh khả năng diệt khuẩn của Lược Vàng, giúp An hầu đan nhanh chóng tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm họng”.
An hầu đan kids quảng cáo trên website anhaudan.com khuyên người bệnh không cần dùng kháng sinh.
Để xác thực vấn đề, PV đã gọi đến tổng đài 18006523 trong vai là một khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm An hầu đan Kids của Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô, tuy nhiên dù tiếng chuông đổ dài mà không ai nhấc máy, nhưng khi PV vừa cúp máy thì có một số điện thoại 08661131xx gọi lại và tự xưng là người của Công ty tư vấn về sản phẩm An hầu đan Kids.
Khi PV trình bày con của PV bị viêm VA có mủ đang dùng kháng sinh do bác sĩ kê đơn, nhân viên này khuyên PV: “Em cho cháu dừng thuốc kháng sinh, vì dùng thuốc kháng sinh sẽ không làm giảm các nguyên nhân gây bệnh, cụ thể là không có tác dụng trực tiếp là giảm hết các ổ viêm. Nên em thay vào đó dùng An hầu đan kids sau 3 đến 4 tháng là khỏi hoàn toàn. Nếu con bị sốt trên 38 độ 5 trở lên thì em tăng 4 ống sử dụng cho 1 ngày để bé giảm sốt. Công ty đang có chương trình khuyến mãi, em mua 5 hộp sẽ được tặng 1 hộp”.
Mặc dù An hầu đan Kids chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng viêm họng, viêm amidan, thế nhưng với những lời quảng cáo hoa mỹ cùng lời khẳng định chắc nịch của nhân viên tư vấn. Vậy có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ thuốc tây để dùng TPBVSK vì nghĩ nó là thuốc chữa bệnh? Điều đáng nói, vì tin quảng cáo, không ít người đã bỏ tiền ra mua thực phẩm chức năng về uống, bỏ lỡ quá trình điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của con em mình.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng như thuốc trị bệnh là hành vi gian dối, đánh lừa người tiêu dùng, không thể chấp nhận được.
Từ chối trả lời báo chí vì không có thẻ phóng viên
Để rộng đường dư luận, PV đã đến Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô ở địa chỉ số Địa chỉ: Số 12 ngách 34 ngõ 100 Hoàng Quốc Việt, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ, Hà Nội để đặt lịch làm việc. Lúc 10 giờ sáng ngày 3/ 8, PV làm việc với ông Nguyễn Đăng Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô tiếp PV tại tầng 2 của tòa nhà. Tại đây ông Bằng nói: “Đề nghị xuất thẻ Phóng viên, thẻ PV đâu? Không có thẻ PV anh không làm việc”.
Khi PV hỏi ông căn cứ quy định nào bắt PV xuất thẻ trong khi thẻ phóng viên không có hiệu lực pháp lý, PV đã có giấy giới thiệu làm việc có dấu và chữ ký của Tổng biên tập, đồng thời PV đã xuất trình CMND thì ông Bằng gạt đi và nói: “Anh không có nhu cầu nghe giải thích, không có thẻ PV không làm việc vậy thôi”.
Ông Nguyễn Đăng Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô
Việc làm của ông Bằng là cản trở PV tác nghiệp, trong khi đó yêu cầu của ông bằng đối với PV phải có thẻ phóng viên là không có hiệu lực pháp lý, bởi theo Luật Báo chí, chỉ có thẻ nhà báo, không có thẻ nào là thẻ phóng viên cả. Phải chăng Công ty TNHH Y dược Kinh Đô đang “né tránh” cung cấp thông tin cho báo chí? Liệu công dụng, chất lượng sản phẩm có tốt như những lời quảng cáo đang được “tung hô”?
Từ năm 2014, Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực báo chí chính thức có hiệu lực, đây là chế tài bảo vệ tác nghiệp của những người cầm bút, trong đó có cả phóng viên chưa có thẻ nhà báo.
Nghị định này quy định một số mức phạt đáng chú ý như sau:
- Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên;
- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;
Thiết nghĩ, trước những vấn đề trên, cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc điều tra, làm rõ để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo...
Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Theo điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó: Người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự hiện hành nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hình phạt cho tội này là: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung như sau: bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |