Cô gái nhập viện sau khi hít bóng cười
Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 18 tuổi (ở Lạng Sơn) trong tình trạng tê tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn. Theo chia sẻ của bệnh nhân, bản thân cô hít bóng cười đã hơn 1 năm nay. Hầu như ngày nào cũng hít vài quả. Khoảng 6 tháng trở lại, bệnh nhân thấy có dấu hiệu tê bì tay chân, đau tức vùng ngực. 3 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện tê yếu nhiều cả tay và chân, chuột rút, mất thăng bằng, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Rối loạn cảm giác do sử dụng khí N2O. Hiện tại, bệnh nhân đã được xử trí ổn định. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc khí N2O do sử dụng bóng cười được ghi nhận tại bệnh viện.
Bóng cười được bán công khai tại nhiều địa điểm với mục đích giải trí - Ảnh:TTXVN
Theo các bác sĩ, hít bóng cười thực chất là hít N2O vào cơ thể. Loại khí này vốn được sử dụng trong y học như một loại khí giảm đau, gây mê, có mùi vị ngọt nhẹ. Sau khi người dùng hít vào sẽ tạo hiệu ứng vui vẻ, cảm giác lâng lâng. Việc sử dụng thường xuyên "khí cười" thì có thể gây ra các rối loạn như đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12. Nếu dùng bóng cười quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật.
Giới chuyên môn cũng lưu ý khí cười là chất gần đây giới trẻ có xu hướng dùng nhiều và cho rằng không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy đá, tuy nhiên đây là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự các ma túy khác.