Ảnh: Shutterstock
Theo Tiến sĩ Caroline Le Roy, lợi ích của rượu vang đỏ có thể xuất phát từ hợp chất chống ôxy hóa polyphenol có trong vỏ quả nho đỏ. Hàm lượng polyphenol trong vang đỏ vốn được tìm thấy cao hơn nhiều so với rượu vang trắng, rượu táo, bia và các loại rượu mạnh khác. Ngoài bảo vệ tế bào khỏi tổn thương trước gốc tự do, polyphenol còn hoạt động như “nhiên liệu” hỗ trợ lợi khuẩn đường ruột.
Như chúng ta biết, đường ruột con người chứa hàng ngàn tỉ vi khuẩn cùng nhiều vi sinh vật khác. Trong đó, những vi khuẩn có lợi sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tạo hệ sinh thái cân bằng trong đường ruột. Tuy nhiên, dược phẩm, chế độ ăn uống và lối sống kém lành mạnh có thể làm giảm lợi khuẩn và khiến chúng ta dễ mắc các bệnh đường ruột, bệnh tim, béo phì và thậm chí ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Trong nghiên cứu mới, nhóm của Tiến sĩ Le Roy đã so sánh hệ vi sinh đường ruột của 3.000 người sống ở Anh, Mỹ và Hà Lan. Họ đều là những cặp song sinh từng tham gia khảo sát chế độ ăn uống và loại rượu thường uống trong chương trình nghiên cứu sức khỏe khác, không có ai nghiện rượu nặng. Các chuyên gia sau đó phát hiện hệ vi sinh đường ruột của người uống rượu vang đỏ đa dạng hơn so với người uống những loại rượu khác. Lợi ích này không thay đổi khi tính đến điều kiện tuổi tác, kinh tế, chế độ ăn uống và tình trạng xã hội.
Theo nhóm nghiên cứu, một ly vang đỏ trong 2 tuần cũng đủ để tạo ra sự khác biệt. Ngược lại, tiêu thụ loại đồ uống này quá mức không chỉ tác động xấu đến hệ vi sinh đường ruột mà còn cả sức khỏe tổng thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh uống rượu không kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm bao gồm ung thư, tim mạch, đột quị và các vấn đề về gan. Để giảm rủi ro, người trưởng thành không nên uống quá 14 đơn vị cồn một tuần, tương đương 7 ly rượu hoặc 3,4 lít bia có nồng độ trung bình.