Từ nhà vệ sinh thông minh và trợ lý ảo...
Trang bị máy quét quang học và thiết bị phân tích chất thải trong bồn cầu, “toilet thông minh” TrueLoo của Công ty Toi Labs giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu mất nước cũng như sự hiện diện của virus hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Sản phẩm đang thử nghiệm tại một số cộng đồng người cao tuổi ở miền Bắc California (Mỹ). Nhà sản xuất đang tiếp tục với dự án phòng tắm thông minh giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe ở người già trước khi quá muộn.
Trong khi đó, thiết bị Togg dùng cảm biến radar treo tường để theo dõi nhịp thở, vị trí và hoạt động của các cụ trong viện dưỡng lão cũng đang cho thấy tương lai đầy hứa hẹn. Công nghệ này sử dụng các thuật toán để phân tích dữ liệu chuyển động, dáng đi, nhịp tim hay số lần ra vào phòng tắm, từ đó đưa ra cảnh báo nguy cơ té ngã cho từng đối tượng cụ thể. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi Evergreen ở California đang chuẩn bị lắp Togg cho toàn bộ trung tâm sau khi thử nghiệm hiệu quả trên 15 phòng.
Nhưng so về mức độ phổ biến, các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói như Alexa đang chứng minh ưu thế trong phân khúc dành cho người già. Tổ chức phi lợi nhuận Eskaton cung cấp dịch vụ hỗ trợ người cao niên tại Mỹ gần đây đã triển khai trợ lý ảo của Amazon và gặt hái thành công hơn mong đợi. Theo điều phối viên của dự án, tỷ lệ người già có khả năng dùng máy tính bảng đã tăng từ 40% lên 80% nhờ Alexa khi việc sử dụng thiết bị công nghệ trở nên đơn giản và tự nhiên hơn với hướng dẫn bằng giọng nói.
…đến robot bầu bạn, thiết bị giải khuây
So với cách đây 20 năm, công nghệ không còn là khái niệm xa lạ mà đang mang đến kỳ vọng cho cộng đồng hưu trí. Không chỉ hỗ trợ sinh hoạt và theo dõi sức khỏe, thiết bị số còn cải thiện đáng kể đời sống tinh thần, kết nối giá trị xã hội ở người cao tuổi.
Đơn cử như Paro, robot hải cẩu do Viện Công nghệ và khoa học công nghiệp tiên tiến Nhật Bản phát triển, đang được sử dụng để giúp đỡ người sa sút trí tuệ hoặc đang sống một mình. Khi được vuốt ve hoặc nghe hiệu lệnh, robot này có thể phản ứng bằng cách di chuyển đầu, nhấp nháy mắt và cất tiếng như một chú hải cẩu thực sự. Trong khi đó, robot Pepper với giọng nói trẻ con có thể bắt nhịp cho các cụ ông, cụ bà tập thể dục. Thi thoảng, Pepper lại cất giọng nói dễ thương động viên các cụ: “Trái, phải, các cụ làm tốt lắm”.
Cùng với hai “đồng nghiệp” đến từ Nhật, robot ElliQ do Israel phát triển là trợ lý ảo được thiết kế để hiểu các câu lệnh thông thường như gọi video, nhắc uống thuốc hay đặt lịch hẹn với bác sĩ. Sản phẩm có camera ghi lại hình ảnh và đưa ra gợi ý vận động để người dùng không ngồi ì một chỗ quá lâu. Với giọng nói được đánh giá khá tự nhiên, phù hợp làm bạn với người già, ElliQ mang theo sứ mệnh chăm sóc sức khỏe và phần nào giúp giảm bớt nỗi cô đơn.
Ngoài các robot bầu bạn, nhiều hãng công nghệ còn phát triển các công cụ và ứng dụng kích thích não bộ hoặc tăng cường mối liên hệ giữa người cao tuổi với gia đình, bạn bè. Công ty It’s Never Too Late mang đến thiết kế màn hình máy tính cảm ứng rộng 70 inch có độ phân giải cao, giúp các cụ hạn chế về công nghệ cũng dễ dàng truy cập mọi thứ như clip du lịch, danh sách nhạc hoặc thư viện các bài giảng khoa học. Về công nghệ giải trí, hệ thống phim 3Scape với kho phim định dạng 3D hứa hẹn giúp ích cho người già hoặc người có vấn đề về vận động, nhờ công dụng kích thích chức năng nhận thức và giảm bớt lo lắng, trầm cảm.
Một cụ bà trải nghiệm công nghệ thực tế ảo dành cho người già. Ảnh: AFP
GreyMatters, từng đoạt giải thưởng “Ý tưởng làm thay đổi thế giới”, là ứng dụng đặc biệt giúp hệ thống mọi hình ảnh, âm nhạc và những câu chuyện quan trọng trong cuộc đời của người dùng thành một dạng “sách truyện”. Với ứng dụng này, người lớn tuổi hoặc bệnh nhân Alzheimer có thể xem lại những sự kiện quen thuộc, từ đó kết nối với quá khứ của chính mình cũng như những thành viên gia đình, bạn bè.
Đưa công nghệ vào phục vụ cộng đồng người cao tuổi
Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Trousdale ở Burlingame, California được phát triển với tiêu chí trở thành “cộng đồng theo định hướng công nghệ và sáng tạo dựa trên cảm hứng từ Thung lũng Silicon”. Điều làm nên sự khác biệt ở đây là mỗi cư dân đều được cấp máy tính bảng và tất cả phòng ngủ đều trang bị đèn cảm biến thông minh phù hợp thói quen từng người.
Theo mô hình này, Viện Dưỡng lão Rhoda Goldman Plaza ở San Francisco (Mỹ) cũng đang xây dựng các công cụ kỹ thuật số nhằm giải quyết khó khăn của dân số già đang ngày một tăng. Đó là những ứng dụng đơn giản như mở khóa điện thoại thông minh, phân loại thuốc, nhắc nhở uống thuốc hoặc hướng dẫn sử dụng trợ lý ảo. Trong khi đó, cộng đồng hưu trí Sunny View ở Cupertino, California đem đến cho các cụ ở đây những trải nghiệm mới về công nghệ tiên tiến, từ tương tác nhập vai thực tế ảo 3D cho đến các trò chơi tập thể dục trong môi trường giả lập trên máy tính, giúp họ tăng hoạt động thể chất và cải thiện đời sống tinh thần.