Bệnh nhân mắc vi khuẩn ăn cánh mũi thời điểm mới nhập viện - Ảnh: T.Mai
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viện vừa lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị nhiễm vi khuẩn whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn ăn mòn vẹt cánh mũi.
Trước khi được chuyển tới đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn whitmore. "Khi đó, chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng"- bác sĩ Cường nói.
Sau 2 tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang ăn da non, tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất 3 tháng, được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để tránh nguy cơ tái phát, khi đó tỉ lệ tử vong rất cao.
Theo PGS Cường, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, vi khuẩn gây bệnh có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Nhiều năm nay, căn bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đã bị "lãng quên".
Các bác sĩ điều trị cho biết những năm gần đây số bệnh nhân nhập viện do mắc whitmore gia tăng. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này. Riêng tháng 8-2019, Trung tâm đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Mùa mưa là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn whitmore phát triển.