Ham... đẹp nhanh, chị em mang họa!

Thứ năm, 12 Tháng 9 2019 08:43 (GMT+7)
Khuôn mặt biến dạng, môi mũi hoại tử, bụng chằng chịt sẹo, mất thị lực vĩnh viễn... là những biến chứng khủng khiếp mà nhiều chị em gặp phải sau phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở không bảo đảm

Sở hữu gương mặt xinh xắn, trắng trẻo nhưng sau khi nghe chủ một cơ sở spa thuyết phục, cô gái 27 tuổi ở Hà Nội đã chấp nhận tiêm 2 mũi mỡ tự thân vào rãnh cười để khuôn mặt đầy đặn hơn. Chưa đầy một ngày sau tiêm, cô gái trẻ đã thấy mặt biến dạng, sưng vù.

Mù mắt sau biến chứng làm đẹp

Hơn 1 tháng nay, nữ bệnh nhân này liên tục vào nhiều bệnh viện điều trị bởi mặt bị hoại tử nghiêm trọng, chi chít các ổ mủ. Do mủ đã lan rộng khắp mặt nên ngoài 2 vết rạch ở khóe miệng - nơi được tiêm mỡ, bác sĩ (BS) phải rạch thêm 2 đường khác ở bọng mắt để thoát mủ. Bệnh nhân được xác định nhiễm nấm và vi khuẩn. Việc phục hồi gương mặt như cũ cho cô gái này là không thể.

BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu trung ương, không khỏi xót xa khi thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh gặp biến chứng do làm đẹp. Đáng tiếc nhất là một cô gái ngoài 20 tuổi, sau khi tiêm chất làm đầy nâng mũi, đã bị hoại tử mũi, suy giảm thị lực và mù mắt trái.

Ham... đẹp nhanh, chị em mang họa! - Ảnh 1.

Xu hướng làm đẹp ít xâm lấn được nhiều người ưa chuộng. Trong ảnh: Một khách hàng căng da mặt bằng chỉ

Theo một BS thẩm mỹ, có những người tạo hóa đã cho một vẻ đẹp tự nhiên nhưng họ vẫn không hài lòng và muốn đẹp giống như thần tượng. "Nhiều lúc khách hàng khá xinh rồi nhưng vẫn muốn có chiếc mũi cao, cặp môi gợi cảm giống như diễn viên này, người mẫu kia. Mặc dù BS tư vấn là không phù hợp với khuôn mặt nhưng nếu khách hàng thích thì vẫn phải chiều" - một BS thẩm mỹ chia sẻ.

BS Sơn cho hay trước đây, nói đến làm đẹp là nhiều người nghĩ đến việc "đụng dao kéo" nhưng hiện nay, xu hướng thẩm mỹ đã khác. Khách hàng thường lựa chọn phương pháp làm đẹp không xâm lấn hoặc ít xâm lấn như dùng hóa mỹ phẩm cải thiện da, tiêm filler (chất làm đầy), botox và các chất độn da... Tuy vậy, ngay cả các can thiệp nhỏ cũng luôn thường trực những biến chứng khó lường. "Chẳng hạn biến chứng do tiêm filler là biến dạng, co kéo khuôn mặt do tiêm không đúng kỹ thuật. Nếu không được điều trị kịp thời có khả năng bị áp-xe, dẫn đến viêm, teo tổ chức. Một yếu tố khác là nếu người tiêm không nắm vững giải phẫu, khi tiêm vào mạch sẽ gây hoại tử hoặc tổn thương chức năng đặc biệt làm tắc mạch gây mù mắt, tiêm vào các vùng khác gây hoại tử phải cắt bỏ các bộ phận đó" - BS Sơn cảnh báo.

Tai biến sớm gặp thường là chảy máu, đọng máu tại chỗ gây bầm, nhiễm khuẩn do điều kiện phẫu thuật không bảo đảm. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sẹo xấu khiến họ thêm mặc cảm. Đối với phẫu thuật mắt, bệnh nhân không thể đóng kín, sa trễ mí mắt; mũi không cân, vẹo mũi; ngực co bao xơ, vỡ túi…

Nguy cơ mất mạng từ hút mỡ

Nhiều BS thẩm mỹ cũng đã gặp tình cảnh bệnh nhân cứ nằng nặc đòi "hút sạch" mỡ trên cơ thể một lần, từ bụng, đùi, bắp tay để trở nên mình dây, chân thon ngay lập tức. Tuy nhiên, các biến chứng từ việc "hút sạch mỡ" vô cùng nguy hiểm do tế bào mỡ vỡ ra gây tổn thương mạch máu. Trường hợp này nếu cấp cứu không kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

BS Phạm Cao Kiêm, nguyên Trưởng Khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết khi bơm lượng dịch làm tan mỡ thì dịch của tế bào và máu cũng sẽ bị hút ra. Do đó, hút nhiều mỡ đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ mất nhiều dịch, thiếu máu, các chỉ số sinh hóa thay đổi, khối lượng tuần hoàn giảm.

Về điều này, BS Trần Sinh Lục, chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Đại học Y Hà Nội, nhận định hầu hết khách hàng có nhu cầu giảm béo đều muốn BS "bóc" càng nhiều mỡ càng tốt, thậm chí 10-20 kg/lần để đỡ tốn kém và đỡ mất thời gian. Nhưng để an toàn cho sức khỏe và tránh sự rối loạn về chuyển hóa, số lượng mỡ hút cho phép chỉ chiếm từ 5%-10% trọng lượng cơ thể. Hơn nữa, mỗi lần hút chỉ nên làm một vùng cơ thể chứ không nên vừa hút mỡ bụng vừa hút mỡ đùi, bắp tay…

"Mỗi một lít mỡ hút ra chứa khoảng 1/4 là máu nên hút nhiều, bệnh nhân càng mất máu, đôi khi làm tổn thương mạch, mỡ chui vào trong mạch gây bít tắc động mạch phổi, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngay cả với kỹ thuật lấy mỡ tự thân phải là hút mỡ của chính người đó, sau đó lọc lấy thành phần cần thiết rồi mới tiêm lại vào cơ thể" - BS Lục lưu ý.

Các chuyên gia thẩm mỹ cũng cảnh báo hút mỡ giảm béo có thể gây các nguy cơ không mong muốn như: sốc, rối loạn cân bằng dịch thể, tụ dịch, tụ máu, gây tắc mạch. Đó là chưa kể bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng máu trong lúc hút mỡ do dụng cụ, phòng mổ không vô trùng. Vì thế, các ca thẩm mỹ chỉ được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa bởi BS có chuyên môn và kinh nghiệm.

Tại một số bệnh viện lớn, các BS gặp khá nhiều ca bệnh hoại tử do hút mỡ và tạo hình thành bụng mà nguyên nhân là do hút mỡ sai vị trí, hút mỡ quá nông hoặc quá sâu, gây tổn thương đến mạch máu. Để làm đẹp an toàn, giới chuyên môn khuyến cáo trước khi có ý định hút mỡ bụng, bản thân người đó cần tập thể dục, ăn kiêng để giảm mỡ, khi ở những vùng không thể giảm mỡ mới thực hiện hút mỡ bụng. 

 

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện tiểu phẫu gây tê tại chỗ. Riêng các đại phẫu như: nâng ngực; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; các thủ thuật bơm và hút mỡ cơ thể... chỉ các bệnh viện được cấp phép mới đủ điều kiện thực hiện.
Ngọc Dung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe