Các vết loét mủ, đóng vảy chạy dọc theo dấu vết xóa hình xăm ở vùng vai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Vũ Thị Phương Dung, Khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu Trung ương), ngày 12-9 cho biết tại đây vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 29 tuổi nhiễm trùng nghiêm trọng sau xoá hình xăm. Nam bệnh nhân đến viện trong tình trạng loét da, chảy mủ trên nền vết xăm cũ vùng vai phải.
Bệnh nhân cho biết vì yêu cầu công việc cần phải xóa hình xăm trên vai phải nên anh đã tới cơ sở thẩm mỹ tư nhân tại TP Ninh Bình thực hiện thủ thuật xóa xăm 2 lần bằng máy nhưng không rõ loại. Sau thủ thuật, bệnh nhân xuất hiện sưng nề, tấy đỏ, đau rát, sau đó các vết trợt, loét, chảy mủ tại vị trí xóa xăm, kèm theo đau nhiều, sốt nên đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Bác sĩ Dung cho biết khi tiến hành thăm khám, bác sĩ phát hiện tổn thương là các vết loét bờ rõ, đáy vàng bẩn, chảy mủ, khu trú dọc theo vết xăm, một số chỗ đóng vảy tiết dày màu nâu đen. Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng trên nền tổn thương loét tương đối sâu do thực hiện xóa hình xăm không đúng kỹ thuật, đồng thời công tác vô khuẩn trong và sau khi làm thủ thuật không tốt.
Các bác sĩ cũng lưu ý trong thủ thuật xoá xăm nếu không bảo đảm vô khuẩn rất nguy hiểm. Biến chứng do vô khuẩn không tốt không chỉ gây nhiễm khuẩn, chảy mủ, loét tại vùng xoá xăm mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội khác. Với bệnh nhân xoá xăm bằng laser, các bác sĩ phải lựa chọn bước sóng phù hợp với từng loại mực xăm để tránh biến chứng tối đa, phòng tránh tổn thương quá sâu gây loét, sẹo. Việc xoá bỏ hình xăm có thể phải thực hiện một hoặc nhiều lần tùy theo loại mực xăm, màu mực xăm và độ sâu vết xăm của khách hàng.