Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó ngoài các địa điểm cấm uống rượu, bia như: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị.... nhiều địa điểm công cộng (theo khoản 7- Điều 10) cũng được đề xuất không uống rượu bia. Cụ thể là công viên, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu thể thao....
Về quản lý quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, các trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến 21h hằng ngày gồm: quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ tại địa điểm tổ chức chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình.
Quảng cáo rượu, bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định: cảnh báo đề phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm một trong các nội dung: Không được lái xe khi đã uống rượu, bia; người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia; không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; rượu, bia có hại cho thai nhi; phụ nữ mang thai không uống rượu, bia; uống rượu, bia có thể gây xơ gan...
Trước đó, ngày 14-6, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 84,3% tổng số đại biểu tán thành sau nhiều lần chỉnh sửa và gây nhiều tranh luận. Một trong những điểm mới của Luật là quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.