Thói quen gây hại não

Thứ ba, 17 Tháng 9 2019 14:31 (GMT+7)
Có những thói quen, trạng thái tưởng chừng không đáng ngại nhưng lại âm thầm giết chết tế bào não mỗi ngày. Tình trạng này kéo dài có thể làm suy giảm chức năng não bộ, thậm chí dẫn đến tử vong.

Thiếu ngủ về lâu dài có thể gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh.

Thiếu ngủ về lâu dài có thể gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh.

Thiếu ngủ kinh niên

Người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm để đảm bảo sức khỏe. Khi chúng ta ngủ, cơ chế chuyển hóa sẽ hoạt động tích cực để đào thải độc tố và các phế phẩm tích tụ trong ngày. Vì vậy, thiếu ngủ đồng nghĩa cơ chế “dọn dẹp” không được kích hoạt khiến các chất độc hại tích tụ lâu trong não và dẫn tới tổn thương nghiêm trọng. Về lâu dài, nó gây ra các triệu chứng như đau nửa đầu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh, như chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (Alzheimer).

Trùm kín đầu khi ngủ

Nhiều người hay trùm kín đầu khi ngủ, đặc biệt vào mùa lạnh. Tuy nhiên, thói quen này đồng nghĩa bạn hít lại không khí đang thở ra và khiến các tế bào não bị tổn thương do thiếu ôxy kéo dài. Trường hợp nhẹ thì đau đầu, mệt mỏi còn nặng thì suy giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Quên bù nước cho cơ thể

Nước chiếm khoảng 70% khối lượng của cơ thể và là thành phần quan trọng của quá trình trao đổi chất. Đây là lý do tại sao mất nước có thể dẫn đến một số vấn đề như táo bón, sỏi thận, cơ thể mệt mỏi... Đối với não bộ, nước chiếm tỷ lệ 85% nên mất nước khiến não bị co lại, ảnh hưởng đến cảm xúc như dễ nóng giận và lo lắng, gây ra các cơn đau đầu và thậm chí làm thay đổi chức năng não.

Chế độ ăn nhiều đường

Nghiên cứu mới của Đại học Michigan (Mỹ) trên ruồi giấm cho thấy chế độ ăn nhiều đường làm cạn kiệt các chất chuyển hóa chính trong não gồm N-acetyl aspartate (NAA) và kynurenine, vốn giúp não khỏe mạnh và chống trầm cảm. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ăn nhiều đường làm thay đổi hoàn toàn mô hình trao đổi chất ở ruồi. Đáng chú ý là những biến đổi này xảy ra trong não tương tự cách tế bào ung thư phát triển.

Stress kéo dài

Không phải mọi phản ứng căng thẳng của cơ thể đều có hại. Nhưng ngoài những loại stress hữu ích xuất hiện khi chúng ta cần sử dụng sức lực thể chất hoặc năng lượng cho sáng tạo, trường hợp căng thẳng mạn tính trong thời gian dài có thể gia tăng nồng độ cortisol - hoóc-môn sản xuất bởi tuyến thượng thận. Lượng cortisol dư thừa có thể ảnh hưởng hệ tiêu hóa, kích thích thèm ăn dẫn đến tăng cân, kích hoạt cơ chế gây viêm, giảm chức năng miễn dịch và có thể dẫn tới bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Đặc biệt, stress kéo dài ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, gây kiệt quệ tinh thần, dễ lo âu, nóng giận và “sương mù não” - tình trạng não bộ không thể tập trung và suy nghĩ rõ ràng. Nguy hiểm hơn, dạng stress này còn có thể thay đổi chức năng và cấu trúc não, gây tổn thương ở cấp độ ADN.

Theo các chuyên gia, duy trì mối quan hệ với bạn bè, gia đình và mở rộng kết nối với những người suy nghĩ lạc quan là điều cần thiết giúp bản thân vui vẻ, giảm stress và tránh mắc bệnh về tâm thần như trầm cảm. Ngoài sự hỗ trợ từ người thân, chúng ta được khuyến cáo kiên nhẫn và tử tế với chính mình, dừng chỉ trích bản thân để tránh tạo thêm áp lực tinh thần.

Lười vận động, thiếu cơ chế kích thích trí não

Người càng vận động trí óc nhiều thì càng ít nguy cơ mắc các bệnh về trí nhớ khi về già. Lý do là các hoạt động kích thích trí óc như học tập, đọc sách báo, viết lách và tích cực tham gia hoạt động xã hội có thể giúp bảo toàn cấu trúc não. Trong khi đó, vận động thể chất giúp giảm bớt căng thẳng, tái tạo năng lượng, mang lại cảm giác hạnh phúc, cải thiện sức khỏe tinh thần và ngủ ngon hơn.

* Ngoài những thói quen có hại kể trên, tình trạng cô đơn kéo dài, thói quen hút thuốc, nghe âm thanh lớn, ít tiếp xúc với ánh nắng, ăn nhiều và tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh cũng là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe não bộ.

ĐƯỜNG THẤT - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe