Ngày 11-12, chuyên gia đầu ngành Ngoại nhi Việt Nam-GS-TS-BS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Ngoại nhi Việt Nam đã đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cùng các bác sĩ nơi đây triển khai kỹ thuật mới phẫu thuật dị dạng hậu môn trực tràng cho trẻ (không có hậu môn).
Hơn 40 bác sĩ ngoại nhi trẻ đang học hỏi chuyên môn chuyên gia đầu ngành Ngoại nhi Việt Nam phẫu thuật
Đây là một trong những dị tật bẩm sinh khá phổ biến, gây phiền toái, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ trong cộng đồng và càng làm khốn khổ không ít cho gia đình các em.
Trong phòng mổ, 6 bệnh nhi (độ tuổi từ 3-6 tháng) được GS Liêm trực tiếp phẫu thuật, cùng lúc là ông chuyển giao chuyên môn kinh nghiệm cho các đồng nghiệp. Qua màn hình trực tuyến bên ngoài, 40 bác sĩ trẻ ngoại nhi từ khắp cả nước theo dõi trực tiếp thị phạm những đường dao, mũi chỉ của vị giáo sư, cập nhật kiến thức, xem đây là kinh nghiệm đáng quý để làm bước đệm cho nghề nghiệp thầy thuốc sau này.
Tỉ lệ trẻ mắc dị tật không hậu môn gặp rất nhiều trong cộng đồng
Theo BS Trần Quốc Việt, Khoa Ngoại nhi - Bệnh viện Nhi Đồng 2, phương pháp kinh điển phẫu thuật, điều trị lâu nay cho nhóm bệnh nhi bị dị tật không hậu môn được xem là giải pháp cứu được nhiều trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng được thành công mỹ mãn sau mổ, đặc biệt cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều với tình trạng thường gặp là tiêu bón, són phân.
Kỹ thuật mới triển khai này được đánh giá phần nào sẽ khắc phục hạn chế trên, giúp bảo tồn tối ưu cơ thắt hậu môn, giảm tỉ lệ biến chứng sau mổ.
"Trẻ dị tật không có hậu môn thường gặp khá nhiều trong cộng đồng với tỉ lệ mắc 1/5.000 trẻ sơ sinh. Dị tật này cần được phát hiện, điều trị sớm ngay từ khi trẻ mới sinh, giúp làm giảm tỉ lệ tử vong và di chứng về sau. Tùy vào mức độ trẻ sẽ được can thiệp ngay sau khi chào đời, hoặc có trường hợp phải được làm hậu môn tạm để đến 3 hoặc 6 tháng sau mới xử trí" - BS Việt nhấn mạnh.
Nguyễn Thạnh - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)