Bao lâu sau uống rượu, bia, cơ thể không còn lượng cồn?

Thứ bảy, 04 Tháng 1 2020 12:02 (GMT+7)
Đó là câu hỏi được rất nhiều các tài xế đặt ra trong hai ngày qua khi quy định “đã uống rượu bia không lái xe” có hiệu lực với chế tài xử phạt rất mạnh tay. Vậy, bao lâu sau khi uống rượu, cơ thể sẽ không còn nồng độ cồn để các tài xế có thể điều khiển phương tiện giao thông?
 
Bao lâu sau uống rượu, bia, cơ thể không còn lượng cồn?
 
Bao lâu sau uống rượu, hơi thở không còn lượng cồn
 
ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, những quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia hoàn toàn đúng về mặt khoa học vì bất kể nồng độ rượu nào, kể cả nồng độ rượu thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh.
 
Trả lời câu hỏi bao lâu thì rượu không còn trong máu nữa, để xét nghiệm trở nên âm tính và lái xe an toàn, BS Nguyên cho hay rất khó xác định được cụ thể. “Thời gian từ lúc uống rượu đến khi để xét nghiệm âm tính khi kiểm tra phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là phụ thuộc vào lượng rượu mình uống, nồng độ rượu mình uống. Nếu uống càng nhiều thì nồng độ càng cao. Cơ thể hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ. Với một số trường hợp khác như uống lúc đói thì hấp thụ rượu càng nhanh. Cơ thể người nào uống kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào cơ thể”, BS Nguyên cho hay.
 
Vì thế, BS Nguyên cho rằng, mọi người cần phải hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu uống vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở.
 
Nhiều người dân cũng bày tỏ băn khoăn, hiện nay một số loại đồ uống như socola, hoa quả lên men, dạng thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng có một chút ethanol hay một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, tạo ra lượng cồn trong hơi thở.
 
Về vấn đề này, BS Nguyên cho rằng, người dân nên yên tâm vì lực lượng xử lý hành vi vi phạm đều có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần hai. Ở một số nước, test sàng lọc ban đầu nếu dương tính họ sẽ làm bước hai.
 
“Nếu không may ăn phải những đồ ăn thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông, vì nếu không may kiểm tra sẽ có một chút ethanol trong hơi thở, thì sẽ rườm rà hơn một chút”, BS Nguyên cho hay.
 
Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng cho hay thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Theo đó, ở người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo. Như vậy, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2-3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.
 
Bà Trang cũng khuyến cáo, thông thường, trong các cuộc nhậu, số lượng uống vượt xa con số một đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, người dân cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.
 
Gia tăng ca ngộ độc rượu
 
Chỉ mới bước qua hai ngày đầu năm mới 2020 nhưng tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận gia tăng ca ngộ độc rượu phải nhập viện. ThS, BS Nguyễn Đăng Đức, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại, trung tâm đang điều trị cho hai bệnh nhân còn khá trẻ, nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp. Các bác sĩ đã làm một số xét nghiệm và khám lâm sàng chẩn đoán thì thấy bệnh nhân bất tỉnh do ngộ độc rượu. Hiện tại qua quá trình điều trị, bệnh nhân đã tỉnh.
 
BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ thêm, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính tăng lên không chỉ tết, Noel mà cả mùa đông, là thời điểm người dân uống rượu nhiều. Đối tượng ngộ độc có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả người trẻ, thậm chí là học sinh, nhưng đa phần là người trẻ ở độ tuổi lao động. Bên cạnh ngộ độc rượu thông thường, tình trạng ngộ độc rượu có cồn methanol vẫn xảy ra thường xuyên.
 
Theo BS Nguyên, ngộ độc là một ảnh hưởng có hại của bất kỳ chất nào đó đối với sức khỏe chúng ta. Thực chất say rượu đã là ngộ độc rượu, lúc đó chúng ta không thể điều khiển được hành vi, lời nói và không làm chủ được vận động. Ngộ độc nhẹ có thể gọi là say, nhưng nặng nữa thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng sống như không thể tỉnh được, không thở được, không đi lại được, hôn mê, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, hạ đường máu...
 
Đối với người trẻ, rượu làm ức chế thần kinh, trước mắt với một liều lớn, các trẻ dễ bị ngộ độc, thậm chí trẻ nhiều khi không để ý, mải mê chơi bời, không ăn, cơ thể gầy, chưa phát triển đầy đủ sẽ càng dễ thấy hậu quả, biến chứng do bị ngộ độc rượu cấp tính gây ra, đặc biệt là hạ đường huyết. Đặc biệt, nếu uống nhiều thì bị tổn thương não, ở những người uống rượu nhiều não bị teo đi. Đối với người trẻ, nếu uống rượu sớm sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, tổn thương lâu dài hơn, sẽ nhanh chóng bước vào con đường nghiện ngập, bị tổn thương cơ thể.
 
THIÊN LAM - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe