Các chuyên gia tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở TP Melbourne – Úc hôm 28-1 đã nuôi cấy "virus Vũ Hán" trong phòng thí nghiệm thành công. Đây là lần đầu tiên loại virus này được tái tạo bên ngoài Trung Quốc.
Bây giờ, các nhà khoa học ở Úc sẽ chia sẻ thành quả của họ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau đó là các phòng thí nghiệm toàn cầu để phát triển vắc-xin.
Các chuyên gia phát triển virus từ một bệnh nhân bị nhiễm bệnh từ hôm 24-1. Phó Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, Mike Catton, thốt lên với đài ABC: "Chúng tôi làm được rồi. Thật tuyệt vời".
Phó Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, Mike Catton. Ảnh: ABC
Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty. Ảnh: ABC
Theo TS Catton, phát hiện kể trên cực kỳ quan trọng giúp các nhà khoa học kiểm tra bất kỳ loại vắc-xin tiềm tàng nào có thể chống lại virus corona mới ở Vũ Hán. Nó cũng cho phép họ tiến hành thử nghiệm để xác định một người có bị nhiễm virus hay không ngay cả trước khi thể hiện triệu chứng.
Ngoài ra, TS Catton nói rằng "virus Vũ Hán" dù gây chết người nhưng mức độ nguy hiểm không bằng virus Ebola. Thêm vào đó, tỉ lệ tử vong khi mắc Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) là 10%, còn "virus Vũ Hán" dường như "thấp hơn 3%".
Hiện tại ở Úc, những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona ban đầu trải qua xét nghiệm tại bệnh viện rồi gửi các mẫu thử đến Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty. Đây là phòng thí nghiệm duy nhất ở Úc có thể kiểm tra mẫu thử lần thứ hai và trả lời chắc chắn liệu ai đó có bị mắc bệnh hay không.
Trước đó, một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã tái tạo thành công "virus Vũ Hán" nhưng không chia sẻ với WHO.
Cùng ngày 28-1, GS Yuen Kwok-yung tại Trường ĐH Hồng Kông tiết lộ các nhà nghiên cứu ở đặc khu đã phát triển vắc-xin chống "virus Vũ Hán" nhưng cần vài tháng để thử nghiệm trên động vật và ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người. Các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ cũng đang chạy đua để phát triển vắc-xin chống lại loại virus gây chết người mới.
Các nhà nghiên cứu Hồng Kông đã sửa đổi vắc-xin cúm, giúp ngăn ngừa cả virus cúm lẫn virus coronamới gây viêm phổi.