Vệ sinh môi trường không để muỗi có nơi sinh sản đẻ trứng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tổng số ca mắc SXH từ đầu năm đến hết tháng 5.2020 trên địa bàn thành phố ghi nhận được là hơn 7.000 trường hợp. Trung bình mỗi tuần có thêm 120 ca mắc mới. Mặc dù số bệnh nhân giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên tình hình dịch bệnh SXH năm nay được dự báo diễn biến khó lường.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm HCDC TP.HCM cho biết, năm 2020 số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tương đối thấp nhưng thời điểm hiện tại đang bước vào mùa mưa, nên dự báo số ca mắc bệnh sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Do đó hoạt động phòng chống SXH thời điểm này là cần thiết. Thực tế để phòng, chống dịch bệnh SXH, ngành Y tế thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp ngay từ những tháng mùa khô như giám sát, xử lý các điểm nguy cơ có thể thành ổ dịch SXH nhằm không để bệnh bùng phát thành dịch vào mùa mưa này. Nếu như những năm trước đây bệnh SXH thường được xem là bệnh trẻ em vì có từ 70-80% bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Khoa giám sát dịch tễ, Trung tâm HCDC TP.HCM ghi nhận khoảng 60% bệnh nhân là trẻ em bị SXH đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, còn 40% số người mắc còn lại là trên 15 tuổi. Như vậy lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh SXH, nên không chỉ trẻ em mới cần phòng, chống bệnh SXH mà kể cả người lớn cũng phải phòng bệnh này.
Theo bác sĩ Lương Thị Huệ Tài, Trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đối với bệnh SXH luôn luôn có diễn tiến mới, mới theo từng năm một. Năm 2020 diễn biến bệnh SXH rất phức tạp, có những trường hợp mắc SXH có những triệu chứng theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới là đáng báo động. Thế nhưng diễn biến lâm sàng của bệnh nhân rất bình thường, không nặng. Nhưng cũng có những trường hợp mắc SXH biểu hiện bên ngoài rất đơn giản như chỉ sốt không thôi, nhưng diễn biến của bệnh sau đó lại rất phức tạp và khó lường.
N-Hiếu - (vanhoa.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)