Mối nguy hại từ “rác thuốc” đông y trôi nổi trên thị trường và chiêu trò móc túi con bệnh

Thứ tư, 08 Tháng 7 2020 16:35 (GMT+7)
Trong thực tế, nhiều dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc, đã bị rút hết hàm lượng chất dinh dưỡng, giá trị chữa bệnh không còn. Để thu hút, đánh lừa người dùng, gian thương ngâm, tẩm màu và mùi hương. Điều này tiềm ẩn nguy hại đến người sử dụng.
 
Những người phụ nữ bán thuốc chữa bách bệnh
 
Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh đến PV tình trạng, có một nhóm phụ nữ khoảng 4 đến 5 người cùng đi bán thuốc đông y dạo. Bà Nguyễn Thị Hà (ngụ quận Hải Châu) kể, các con thường xuyên đi làm nên ban ngày chỉ có mỗi bà ở nhà. Một ngày, khi đang ở nhà, có một nhóm phụ nữ mặc áo quần sặc sỡ kiểu người Chăm vào nhà chào hỏi vui vẻ.
 
Sau một hồi trò chuyện, bà cho biết mình thường xuyên mất ngủ, đau lưng, đã uống thuốc Tây nhưng tình trạng khó ngủ vẫn không cải thiện. Một người phụ nữ trong nhóm cho biết, đang bán thuốc đông y, đặc biệt chữa bệnh khó ngủ và đau lưng của người già. Họ khuyên bà nên mua uống, để chữa bệnh.
 
“Người lớn tuổi, nếu cứ để tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ. Tôi bán thuốc cho rất nhiều người rồi, bảo đảm tốt”, một người quảng cáo. Tin tưởng, bà Hà bỏ gần 2 triệu đồng để mua hai gói thuốc của nhóm người này. Tối ấy, các con trở về, thấy có lọ thuốc lạ nên hỏi. Bà kể lại mọi việc. Các con của bà cho biết, hai lọ thuốc đó không có nhãn mác nên đề nghị bà không được uống.
 
Khoảng hai tháng trở lại, trên các trang mạng xã hội lớn tại TP.Đà Nẵng, nhiều người phản ánh về nhóm phụ nữ tương tự. Nhóm người này có cùng chiêu thức là đi cùng nhau, lựa chọn các cụ già, lớn tuổi để tiếp cận, mồi chài bán thuốc. Thuốc họ bán là các vị lá, không nhãn mác với giá từ 1 đến 2 triệu đồng cho mỗi người dân.
 
Thậm chí, một số người bị “rơi vào bẫy” vì nhóm người này xem bói bằng chỉ tay. Sau đó, đe doạ, người dân có bệnh nặng, nếu không được chữa trị rất dễ bị ung thư hoặc chết. Các cụ già lo sợ, đã bỏ tiền ra mua thuốc của họ.
 
Tràn lan dược liệu không ghi hạn sử dụng
 
Cũng liên quan đến thuốc đông y, PV đã có khảo sát các chợ lớn tại TP.Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Hoà Khánh, chợ mới Hoàng Diệu… Tất cả các khu chợ này, tình trạng mua bán dược liệu, thuốc đông y diễn ra tấp nập. Phía trước chợ mới Hoàng Diệu, có khá nhiều cửa hàng lẫn người dân trải thuốc bán ngay giữa lề đường.
 
Theo quan sát, hầu hết các loại dược liệu, thuốc đông y được bán tại các khu vực này đều chứa trong bao nilon. Nhiều dược liệu có dấu hiệu bị ẩm, mốc. Phía bên trong bao nilon có một tờ giấy nhỏ ghi vị thuốc, tác dụng, cách sử dụng nhưng không hề có hạn sử dụng. Dược liệu được bán ở các khu chợ này chủ yếu là táo mèo, đẳng sâm, ba kích, hà thủ ô, mật nhân…
 
PV nghi ngờ về chất lượng, người bán liền phản bác: “Cửa hàng của tôi bán ở đây mấy chục năm nay, uy tín lắm. Thuốc tốt thì chúng tôi mới tồn tại được như thế”. Tuy nhiên, khi được hỏi, tại sao trên bao bì không ghi hạn sử dụng? Các tiểu thương thường có câu trả lời chung chung: “Dược liệu, thuốc đông y, càng để lâu càng có giá trị”.
 
 
Trong khi đó, một đầu nậu nổi tiếng trong giới cung cấp dược liệu trên địa bàn TP.Đà Nẵng xin giấu tên cho biết, phần lớn các loại thuốc đông y được bày bán tại các chợ là hàng nhập từ Trung Quốc. Người này tiết lộ, tại các cửa hàng bán thuốc đông y trên thị trường cũng nhập dược liệu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hoặc mua lại tại các kho hàng lớn.
 
Bán dược liệu không rõ nguồn gốc là tội ác
 
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại TP.Đà Nẵng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không giấy phép kinh doanh. Đại diện Công an phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, xác nhận, đã phát hiện một nhóm phụ nữ đi bộ bán thuốc nam, đông y không rõ nguồn gốc.
Cơ quan chức năng buộc nhóm này không được tiếp tục hoạt động việc rao bán thuốc dạo trên địa phường.
Trong trường hợp nhóm này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành chính.
 
Trong khi đó, đại diện Công an phường Hải Châu 2, quận Hải Châu chia sẻ, tổ công tác 8394 đã phát hiện hai người phụ nữ bán các loại hạt nhỏ tại chợ Cồn. Hai người này quảng cáo, loại thuốc này có giá trị làm đẹp, chữa bệnh. Tuy nhiên, khi kiểm tra, hai người này không xuất trình được giấy tờ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Tại cơ quan điều tra, cả hai thừa nhận, không biết loại hạt này có giá trị gì.
 
Trước đó, họ nghe thông tin, loại hạt này bồi bổ xương cốt, làm đẹp nên mua về bán kiếm tiền chênh lệch. Để tránh tình trạng tương tự, Công an phường Hải Châu 2 đã phối hợp với Ban quản lý chợ Cồn nhắc nhở người dân, tiểu thương không mua bán các loại dược liệu không rõ nguồn gốc tránh tình trạng tiền mất tật mang.
 
Trả lời PV, ông Phạm Văn Thiềng, Đội trưởng đội Kiểm soát phòng chống buôn lậu khu vực miền Trung, cho biết, mới đây, đơn vị đã liên kết đa ngành bắt 5 container dược liệu nhập lậu từ Trung Quốc khi cập cảng vào cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Chủ lô hàng khai báo hàng hoá là táo ta, quả mơ, hạt điều, củ cải, cà rốt nhưng qua kiểm tra lại là dược liệu. Tổng lô hàng khoảng 100 tấn dược liệu. “Đây là số lượng dược liệu bị bắt giữ lớn nhất tại miền Trung từ trước đến nay”, ông Thiềng nói.
 
Vị này thừa nhận, dược liệu giả, kém chất lượng được “lách luật” chuyển vào thị trường nước ta dưới dạng nhập khẩu nông sản khiến tình trạng kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ nếu trót lọt vào Việt Nam không chỉ gây thất thoát thuế mà nguy cơ người dân mua, sử dụng dược liệu giả, kém chất lượng là rất lớn. Những người buôn lậu dược liệu là tội ác, cần phải lên án và nghiêm trị trước pháp luật.
 
 
Lương y Nguyễn Đình Khánh, Chủ tịch hội Đông y quận Thanh Khê, chia sẻ, người dân đang có xu hướng chuyển từ Tây y sang Đông y. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng dược liệu, người dân nên thận trọng, tỉnh táo. Trong trường hợp người bán quảng cáo dược liệu chữa được bách bệnh thì nên không tin. Ngoài ra, nhiều người đang có suy nghĩ, dược liệu càng để lâu càng có giá trị là sai lầm. Dược liệu cũng như tân dược, đều có hạn sử dụng, nếu hết hạn sử dụng mà vẫn dùng thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ là rất lớn. Đồng thời, việc sử dụng dược liệu cần được sự hướng dẫn của bác sĩ, lương y.
 
Lương y Nguyễn Đình Khánh cho biết thêm, người dân chỉ nên mua dược liệu tại những nơi uy tín. Thực tế, có tình trạng dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc. Trong đó, phần lớn các dược liệu này đều đã bị rút hết hàm lượng chất dinh dưỡng, giá trị chữa bệnh không còn. Giới lương y gọi đây là rác thuốc. Chúng được các gian thương ngâm, tẩm hoá chất tạo đẹp mã, mùi vị hấp dẫn để bán kiếm lời.
 
Nguồn: (khoe365.nguoiduatin.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe