Sáng ngày (7/10), bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị bẩm sinh thận đôi, niệu quản lạc chỗ tiểu không kiểm soát suốt 43 năm qua.
Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ Lê Ngọc K, 43 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, mắc phải tình trạng rỉ nước tiểu liên tục từ nhỏ, phải đóng bỉm và đi chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả. Người nhà cho biết, cách nay 10 năm đã phẫu thuật tại một bệnh viện để điều trị chứng tiểu không kiểm soát này, nhưng không cải thiện và phải chấp nhận sống chung với căn bệnh này hơn 40 năm qua. Đến ngày 21/9, bệnh nhân có đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để khám và điều trị tình trạng trên.
Bác sĩ tích cực phẫu thuật cho bệnh nhân
Tại bệnh viện, qua kết quả chụp cắt lớp vi tính, cho thấy: bệnh nhân có thận đôi 2 bên, một niệu quản (T) phía trên giãn đến bàng quang nhưng không rõ vị trí cắm vào đâu, thận trái (T) ứ nước, niệu quản giãn đường kính 13mm (trong khi ở người bình thường khoảng 5mm).
Nghi niệu quản cắm lạc chỗ, nên các bác sĩ tiến hành nội soi bàng quang và niệu quản, thì thấy vị trí đổ của niệu quản đúng là lạc chỗ, nên đặt thông JJ niệu quản bình thường bên (T) để đánh dấu, thuận lợi cho phẫu thuật tạo hình sau này.
Kết quả chẩn đoán cuối cùng của bệnh nhân, là thận ứ nước và tiểu không kiểm soát do niệu quản (T) đôi lạc chỗ.
Bệnh nhân hồi phục tốt và thoát khỏi tình trạng rỉ nước tiểu suốt 43 năm qua.
Ngay sau đó, ê-kíp phẫu thuật thực hiện cắt nối niệu quản, cắm lại niệu quản lạc chỗ vào đúng vị trí bàng quang để giải quyết vấn đề tắc nghẽn cũng như rỉ nước tiểu liên tục của bệnh nhân, với thời gian phẫu thuật kéo dài 90 phút.
Đến sáng nay 07/10, tình trạng bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ khô, hết rỉ nước tiểu, các bác sĩ siêu âm kiểm tra, thấy thận hết ứ nước. Dự kiến, sẽ xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Hình chụp phim X-Quang hệ niệu sau phẫu thuật.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Phước Lộc - Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu của bệnh viện cho biết: Niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh khá hiếm gặp, trung bình cứ 2000 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc phải bệnh này. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam; chủ yếu là xuất phát từ cực trên thận đôi có 2 niệu quản và một niệu quản cắm vị trí bất thường.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo thêm, niệu quản lạc chỗ có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới chức năng thận nghiêm trọng. Do đó, tốt nhất người bệnh cần được phát hiện sớm ngay từ khi mới sinh hoặc còn nhỏ tuổi, để tránh biến chứng và những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống./.
Thanh Tú/VOV-ĐBSCL
T/h: Nhi - (dongbang.vn)