Nguy cơ già hóa dân số
Áp lực cuộc sống khiến nhiều người có xu hướng ngại sinh con hoặc sinh ít con. Mới đây, tại hội thảo về định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đang có tình trạng chênh lệch mức sinh khá lớn giữa các vùng.
Trong đó, 33 tỉnh (chiếm 42% dân số) đang có mức sinh cao, chủ yếu ở trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; 21 tỉnh (chiếm 39% dân số) có mức sinh thấp, hầu hết ở ĐBSCL, Đà Nẵng, Khánh Hòa và chỉ có 9 tỉnh đang duy trì được mức sinh 2,1 con. Trong 21 tỉnh có mức sinh thấp, chỉ còn 1,5-1,6 con, riêng TP HCM là địa phương có mức sinh thuộc hàng thấp nhất cả nước, có năm giảm còn 1,24 con (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).
"Đây là tình trạng rất đáng báo động, nếu mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội" - ông Mai Trung Sơn nhận định.
Theo GS Nguyễn Đình Cử (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em), hiện nay xu hướng "lười đẻ" đang lan rộng. Không ít thanh niên không thích sinh nhiều con vì muốn có thời gian để lao động, thăng tiến, hưởng thụ. Họ không thích dành quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để sinh con, nuôi con nên không sinh con hoặc chỉ sinh một con. Một số người ở thành phố phải chật vật mưu sinh, họ thấy việc nuôi dạy, chăm sóc con hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí nên nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh.
Ông Mai Trung Sơn phân tích với mức lương công nhân chỉ vài triệu đồng nhưng gửi một đứa con đi nhà trẻ đã hết 3 triệu đồng, nếu 2 con là mất 6 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ, chưa kể còn tiền thuê nhà, sinh hoạt phí khác. Trong khi hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích người dân ở những khu vực này sinh đủ 2 con. Điều này khiến người trẻ lười đẻ, ngại kết hôn.
Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức 2,1 con sẽ bảo đảm dân số phát triển ổn định. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Kích sinh khó hơn giảm sinh
Nếu cứ duy trì mức sinh thấp thì sẽ thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Tỉ lệ người trẻ trong độ tuổi lao động ngày càng giảm trong khi người cao tuổi tăng là gánh nặng trong việc chi trả các vấn đề an sinh xã hội và chi phí đầu tư cho chính sách khuyến sinh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trong đó, thí điểm hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các CLB kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn, nên sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Theo các chuyên gia dân số, kết hôn và sinh con muộn có những tác động tiêu cực đến chính bản thân người đó và cho xã hội. Về mặt sinh học, độ tuổi từ 20 đến trước 30 là "thời gian vàng" để người phụ nữ thụ thai, sinh đẻ bởi đây là thời điểm sức khỏe của người phụ nữ sung sức nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết ngành dân số đang phối hợp với các địa phương thử nghiệm nhiều giải pháp để nâng mức sinh tại 21 tỉnh song việc này rất khó. Theo ông Tú, ngay trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng gặp tình trạng mức sinh thấp từ hơn 20 năm nay, đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó Hàn Quốc dành khoảng 2 tỉ USD mỗi năm, Nhật Bản dành 20 tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Hàn Quốc hiện thuộc diện có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,95 vào cuối năm 2018, nghĩa là cứ 100 phụ nữ Hàn Quốc thì chỉ 95 trẻ nhỏ được sinh ra. Trong khi đó, để bảo đảm dân số phát triển ổn định, tỉ lệ này phải ở mức 2,1.
"Mức sinh thấp ở nước ta là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Giảm sinh thì nhiều nước làm được nhưng kích sinh thì chưa có quốc gia nào thành công. Vì vậy, chúng tôi xác định khuyến khích sinh để đạt kết quả như mong muốn còn khó hơn nhiều lần giảm sinh" - ông Tú chia sẻ.
Phụ nữ sinh con trước 35 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ, bởi sinh con muộn sẽ có nhiều nguy cơ. Do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…
Bài và ảnh: NGỌC DUNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)