Rà soát năng lực các khu cách ly
Trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều sự kiện lớn như Tết nguyên đán, Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn… Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu giữ nguyên chiến thuật chống dịch; đồng thời theo dõi, nghiên cứu biến thể mới của SARS-CoV-2.
Theo PGS-TS Nguyễn Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nguồn lây nhiễm của các nước chủ yếu là do không kiểm soát chặt người nhập cảnh, cách ly không nghiêm, phong tỏa không chặt. Ở trong nước, từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
"Cùng với việc ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chính quyền cơ sở, lực lượng công an cần nắm sát địa bàn, từng gia đình có người thân ở nước ngoài, nhất là những nơi có thể đi đường bộ về Việt Nam. Những gia đình này phải được vận động liên lạc với người thân ở nước ngoài không nhập cảnh bất hợp pháp và nếu có nhu cầu nhập cảnh thì phải theo đường hợp pháp, thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly tập trung" - PGS Nguyễn Đắc Phu đề nghị.
Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trà Vinh được trao giấy xuất viện vào tháng 4-2020 Ảnh: CA LINH
Về các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu lực lượng quân đội, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao rà soát năng lực các khu cách ly tập trung, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng, bảo đảm cách ly thật an toàn, từng bước giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế, các khu cách ly tập trung, các địa phương phải nghiêm túc chấn chỉnh, siết lại việc bàn giao, tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung và giám sát y tế tại nơi cư trú. Đồng thời, đề nghị các địa phương phải tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh những nơi có dấu hiệu lơi lỏng việc theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú đối với người hoàn thành cách ly tập trung trong vòng ít nhất 14 ngày. Cùng đó, hệ thống thông tin khai báo y tế của Bộ Y tế phải tăng cường cập nhật liên tục về tất cả người Việt Nam từ lúc bắt đầu đăng ký về nước đến khi nhập cảnh, thực hiện cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú. Với những trường hợp nghi mắc Covid-19, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) địa phương triển khai biện pháp ứng phó với người đã mắc bệnh, thông tin rõ trường hợp nghi nhiễm trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định cuối cùng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ngày 7-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tất cả quy định phòng chống dịch đều đã có nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm. Vì vậy, Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát tất cả quy trình, hướng dẫn tiếp nhận người nhập cảnh, cách ly tập trung, bàn giao người hoàn thành cách ly để theo dõi, giám sát y tế tại nhà… Nơi nào thực hiện không đúng, không đầy đủ, Bộ Y tế có văn bản kiến nghị để xử lý.
Hai bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng
Sáng cùng ngày, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, GS-TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia tổ hội chẩn điều trị bệnh nhân (BN) nặng, đã chủ trì buổi hội chẩn trực tuyến 2 ca bệnh nặng đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) và BV Đa khoa trung ương Quảng Nam. Đây là lần hội chẩn quốc gia đầu tiên trong năm 2021.
Một trong 2 ca bệnh nặng là BN 1465 (61 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) từ Mỹ về Việt Nam hôm 21-12-2020, đang điều trị BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Nữ BN này có tiền sử cắt tuyến giáp bên phải, mệt nhiều, chân tay run, chán ăn, xuất hiện "cơn bão cytokine" giống BN phi công người Anh. Hiện BN này được sử dụng thuốc an thần, thở máy và hội đồng chuyên môn đề nghị BV Bệnh nhiệt đới trung ương xem xét lọc máu, đặt ECMO. Ca thứ 2 là BN 1405 (74 tuổi, từ Mỹ nhập cảnh Việt Nam), có tiền sử mắc một loạt bệnh mạn tính, hiện điều trị tại BV Đa khoa trung ương Quảng Nam. Hiện BN này tiếp xúc tốt nhưng bụng trướng nhẹ, tràn dịch màng phổi 2 bên, kèm viêm phổi do SARS-CoV-2 bội nhiễm.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết Viện Pasteur TP HCM vừa gửi kết quả âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 của anh M.V.T (30 tuổi; ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - tài xế đã chở BN 1440 cùng 2 BN mắc Covid-19 khác và những người nhập cảnh trái phép qua biên giới An Giang để vào Việt Nam tối 24-12-2020. Sau đó, tài xế T. chở rất nhiều người dân, giáo viên, cán bộ ở huyện An Phú đi Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng. Đến Sóc Trăng, sau khi BN 1440 được xác định mắc Covid-19, tài xế T. và những người trên xe đang ở Sóc Trăng được đưa đi cách ly. Hiện tình trạng sức khỏe anh T. bình thường, không có biểu hiện ho, sốt.
Vụ BN 1498: Tạm đình chỉ công tác 2 cán bộ y tế liên quan
Chiều 7-1, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ vừa tạm đình chỉ công tác 2 cán bộ trung tâm này có liên quan đến vụ BN 1498 (nam, 22 tuổi, quê Quảng Ninh; du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam) rời khỏi khu cách ly trước khi có kết quả xác định mắc Covid-19. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát xem xét hình thức kỷ luật với những cá nhân khác có liên quan.
Trước đó, giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ Tạ Văn Thiềng - người ký giấy cho nam thanh niên nói trên ra khỏi khu cách ly khi chưa nhận giấy xét nghiệm lần 2. Tính đến chiều 7-1, 13 trường hợp tiếp xúc gần (F1) của BN 1498 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ngọc Dung - Công Tuấn - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)