Hội chứng "công chúa tóc mây"

Thứ bảy, 16 Tháng 1 2021 16:07 (GMT+7)
Nhiều gia đình thấy con gái cứ hay bứt tóc ăn, khiến tóc bị trụi cả mảng lớn trên đầu, đưa đi khám da liễu nhưng không hết
Cách đây không lâu, Bệnh viện (BV) Nhi trung ương đã phẫu thuật lấy khối tóc lớn trong dạ dày cho bệnh nhi 11 tuổi ở Hà Nội. Các bác sĩ lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhi khối u tóc lớn kích thước tương đương 1 quả bưởi. Trước đó, bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng gầy yếu, vàng da, cân nặng chưa đầy 30 kg.
 
Thói quen ăn tóc
 
Gia đình bệnh nhi trên cho biết từ nhỏ, cháu đã có thói quen bứt tóc ăn nhưng cả nhà không để ý. Gần đây, thấy bé có triệu chứng đau bụng, kèm nôn ra dịch vàng lẫn máu nên gia đình mới đưa tới BV Nhi trung ương khám. Kết quả nội soi xác định dị vật, bác sĩ phát hiện dạ dày bệnh nhi có khối tóc lớn, chiếm gần hết dạ dày. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc chứng Rapunzel - thích ăn tóc.
 
Mới đây, BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) cũng đã phẫu thuật cứu bé gái 8 tuổi ngụ quận 7 vì ăn cả ký tóc. Trước khi nhập viện 5 ngày, cháu đau bụng từng cơn, ói dịch xanh, vàng. Trước đó, gia đình có đưa bé đến điều trị tại phòng khám tư nhưng không giảm nên được chuyển tiếp đến BV.
 
Thăm khám lâm sàng, siêu âm, X-Quang bụng, các bác sĩ phát hiện bé bị tắc ruột, chỉ định phẫu thuật khẩn cấp và lấy ra 1 búi tóc rất to ở đoạn ruột non gây tắc nghẽn đường ruột. May mắn là bé chưa có hiện tượng thủng ruột do được phẫu thuật kịp thời.
 
BS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, cho biết trường hợp những bệnh nhi ăn tóc này nếu không được phẫu thuật sớm để loại bỏ khối u sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, vàng da, tắc mật hay viêm tụy cấp…
Hội chứng công chúa tóc mây - Ảnh 1.
Hội chứng Rapunzel chủ yếu xảy ra ở các bé gái. Trong ảnh: Trẻ đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM (ảnh chỉ mang tính minh họa) 
 
Thường gặp ở nữ dưới 20 tuổi
 
Theo BS Phạm Duy Hiền, người mắc hội chứng Rapunzel sẽ ăn tóc của mình hoặc người khác, thậm chí ăn cả tóc búp bê, khiến tóc bị mắc kẹt trong dạ dày, ruột, lâu ngày gây tắc, thủng ruột. Người mắc hội chứng này thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy…
 
Hội chứng Rapunzel được đặt theo tên nhân vật "công chúa tóc mây" trong chuyện cổ tích Grimm. Hội chứng này lần đầu được báo cáo vào năm 1968. Đây là hội chứng khiến người mắc thích nhổ và ăn tóc của chính mình, thậm chí nhổ cả tóc người xung quanh để ăn. Hội chứng này thường xuất hiện ở nữ giới dưới 20 tuổi (chiếm 70%).
 
Trẻ nhỏ mắc hội chứng Rapunzel vẫn ăn cơm bình thường nhưng lại có thêm thói quen thích ăn tóc, chứ không phải là ăn tóc thay cơm. Nguyên nhân gây nên hội chứng này hiện vẫn chưa được xác định, có thể là do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức… nhưng không được can thiệp kịp thời; hoặc có thể là do thiếu sắt hay mắc Celiac - một bệnh lý đường ruột do nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch.
 
Hội chứng Rapunzel được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và cần được điều trị tâm lý, bổ sung vi chất để ngăn ngừa việc ăn tóc.
 
Điều trị tâm lý là chính
 
Theo BS Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại tổng hợp - BV Nhi Đồng 2, người mắc hội chứng Rapunzel sau khi đã được phẫu thuật lấy búi tóc thì việc điều trị tâm lý vô cùng quan trọng để phòng ngừa tái phát. Hiện nay, chưa có phương pháp nào triệt để để chữa trị hội chứng này. Rapunzel chủ yếu xảy ra ở trẻ em, vì vậy cha mẹ cần chăm sóc con em mình theo sự tư vấn của BS, dành nhiều thời gian chơi với con, cho trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể...
 
XUÂN THU - NGỌC DUNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe