Lô vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên được nhập cảnh về Việt Nam hôm 24-2.
Những liều vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm vào sáng 8-3 tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) TS Ðặng Quang Tấn cho biết: Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp lâu dài trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều nước trên thế giới đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Tại Việt Nam, ngày 26-2-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua sắm và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022, với mục tiêu cụ thể có tới 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ vắc-xin theo từng đợt phân bổ vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc-xin phòng Covid-19… Theo kế hoạch, Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) chủ trì với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn về vắc-xin Covid-19, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng; tập huấn cho các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương.
Cục Y tế dự phòng hướng dẫn kế hoạch tiêm chủng cho các địa phương. CDC các tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng, số lượng đối tượng tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố và thông báo về Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để được cung ứng vắc-xin. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin Covid-19 tại địa phương mình và chỉ đạo việc lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm nguy cơ theo Nghị quyết số 21.
Việc tiêm vắc-xin sẽ được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất và sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn. Trong trường hợp cần thiết, các sở y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tham gia. Cụ thể, các bệnh viện tuyến T.Ư, cấp tỉnh, cấp huyện tiêm cho cán bộ y tế cơ sở; nhân viên tham gia phòng chống dịch; người đang điều trị tại bệnh viện và những trường hợp khác theo quy định. Trạm y tế xã sẽ tổ chức chiến dịch tiêm tại chỗ và điểm lưu động cho nhân viên y tế, người tham gia chống dịch, bộ đội, công an, giáo viên, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người già hơn 65 tuổi, mắc bệnh mãn tính. Khi đã tiêm hết những trường hợp nêu trên, trạm y tế sẽ tiêm cho những người khác. Ngoài ra, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc-xin sẽ được thành lập từ cấp T.Ư đến cấp tỉnh. Các tỉnh, thành phố thành lập các đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực để sẵn sàng xử lý trường hợp tai biến nặng sau tiêm...
Theo PGS,TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó Trưởng ban điều hành Dự án TCMR cho biết: Vắc-xin phòng Covid-19 được sử dụng đợt này là vắc-xin AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ngày 15-2-2021. Ðể dự phòng Covid-19, vắc-xin này cần được tiêm hai liều, mỗi liều cách nhau 12 tuần và tiêm đủ hai liều cùng một loại vắc-xin; tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca có thể xảy ra các phản ứng thông thường như: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, bồn chồn, sốt nhẹ, có người ớn lạnh (khoảng 10%); phổ biến từ 1 đến 10% tại vị trí tiêm sưng, đỏ. Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, muộn, có thể xảy ra sau tiêm, nhưng hiện WHO chưa có đủ dữ liệu...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Với hơn 117 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca hiện có, Bộ Y tế không thể phân bổ vắc-xin cho 63 địa phương mà dành cho 13 tỉnh, thành phố có dịch, nhất là ưu tiên cho Hải Dương "điểm nóng về phòng chống dịch". Ngày 8-3 sẽ tiến hành tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21 của Chính phủ cho người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch để hạn chế đến mức thấp nhất yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này. Tiếp đến tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở y tế có điều trị người bệnh Covid-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh; người tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng làm công tác truy vết, xét nghiệm...
Để bảo đảm tốt công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị 13 tỉnh, thành phố có người bệnh mắc Covid-19 thực hiện nghiêm Nghị quyết 21 của Chính phủ, với tinh thần là bảo đảm được sự công bằng trong tiếp cận vắc-xin theo đề nghị của WHO và các tổ chức quốc tế có liên quan. Ðối với những địa phương chưa được phân bổ vắc-xin lần này, cần chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn, nhất là các cán bộ tiêm chủng cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, vấn đề chống sốc phản vệ...
Ðây là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu, coi an toàn tiêm chủng, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất của ngành y tế. Các địa phương cần chủ động, phát huy phương châm bốn tại chỗ, phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế để bảo đảm nguồn cung và báo cáo HÐND tỉnh để có kinh phí phục vụ tiêm chủng. Mặt khác, yêu cầu các cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất; với mỗi người dân thực hiện tải ứng dụng hồ sơ sức khỏe, việc làm này vừa giúp ngành y tế chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh về những bất lợi sau tiêm. Bộ Y tế sẽ phân công các lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo các điểm tiêm, vì đây là vắc-xin phòng Covid-19 lần đầu tiên được triển khai tiêm, trên cơ sở đó đánh giá quá trình triển khai, rút kinh nghiệm kịp thời để từ đó tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng trong thời gian sớm nhất.
TRUNG TUYẾN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)