Nguy hiểm sốc nhiệt

Thứ hai, 29 Tháng 3 2021 06:03 (GMT+7)
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cảnh báo tình trạng say nắng, hay còn gọi sốc nhiệt, là điều cần đề phòng khi di chuyển trong thời tiết nắng nóng, nhất là vào buổi trưa
 
Người lớn tuổi và trẻ nhỏ là 2 đối tượng dễ gặp những vấn đề sức khỏe nhất khi thời tiết trở nên khó chịu.
 
Lưu ý trẻ em và người lớn tuổi
 
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ cho biết nên lưu ý trẻ em, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý tim mạch (cao huyết áp, thiếu máu cơ tim...) hay bệnh nội tiết (cường giáp, đái tháo đường...) có thể dễ bị say nắng hơn và dễ bị nặng hơn những người trẻ, khỏe.
 
"Phơi nắng lâu, nhất là khi phải làm việc nặng, tập luyện gắng sức, có thể gây ra tình trạng nhiệt độ cơ thể đột nhiên tăng do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, kèm theo đó là hiện tượng giãn mạch, cơ thể mất nước qua mồ hôi. Điều đó dẫn đến một loạt triệu chứng "say nắng", nhẹ thì có thể tăng nhịp tim, thở gấp, hồi hộp, đánh trống ngực; nặng hơn là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, chuột rút, tay chân rã rời..." - BS Vũ giải thích.
 
BS Trương Quang Anh Vũ cũng khẳng định nguy cơ đột tử do sốc nhiệt là có thật, nếu như có các biểu hiện say nắng nói trên mà không được xử lý đúng cách. Khi thấy bị say nắng nhẹ phải vào chỗ mát nghỉ ngơi ngay, uống nước, rửa mặt cho mát; nếu thấy mệt nhiều thì phải đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được cố gắng đi tiếp vì tình trạng có thể tăng nặng. "Hậu quả nghiêm trọng nhất là ngất, hôn mê, trụy tim mạch dẫn đến tử vong" - BS Vũ cảnh báo.
 
Để đề phòng, khi ra đường, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, nên chuẩn bị dụng cụ chống nắng như mũ, kính mát, áo dài tay bằng chất liệu thoáng mát và mang theo nước uống bởi mất nước cũng khiến tình trạng sốc nhiệt dễ xảy ra hơn. Buổi trưa, nếu không có việc gì quá cần thiết thì nên hạn chế ra đường.
 
Thời tiết nắng nóng cũng thường đi kèm với chỉ số UV cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn bệnh tật và tử vong liên quan đến tia cực tím (tia UV) đều có thể tránh được thông qua các biện pháp phòng ngừa đơn giản. Báo cáo của Gánh nặng bệnh tật toàn cầu ước tính có tới 60.000 ca tử vong mỗi năm trên thế giới do tiếp xúc quá nhiều bức xạ của tia UV (48.000 ca ung thư hắc tố và 12.000 ca ung thư da).
 
Tiếp xúc quá mức với tia UV còn là nguy cơ gây các bệnh về mắt, đặc biệt là đục thủy tinh thể, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch. Các biện pháp an toàn như hạn chế ra đường trong nắng trưa, mặc đồ chống nắng bao gồm mũ và kính râm nên được áp dụng khi chỉ số UV từ 3 trở lên.
Nguy hiểm sốc nhiệt - Ảnh 1.
Vào buổi trưa, nhiều người ở TP HCM phải tăng cường biện pháp chống nắng nóng. (Ảnh chỉ có tính minh họa).Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần "giải nhiệt" đúng cách
 
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết vào mùa nóng, trẻ thường dễ bệnh hơn mùa lạnh, đây cũng là thời tiết thuận lợi cho một số bệnh theo mùa. Sốt do virus vẫn thường gặp nhất, bao gồm các bệnh như tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, sốt phát ban; ngoài ra còn cần đề phòng tiêu chảy (do thức ăn dễ ôi thiu) hay viêm hô hấp (do sinh hoạt).
 
Nắng nóng cũng khiến nhiều trẻ chán ăn, để khắc phục nên cho con trẻ ăn món có nước, mát miệng; có thể chia thực đơn trong ngày thành nhiều bữa, thức ăn loãng một chút; trẻ lớn thì nấu thêm canh, có rau xanh, trái cây; trẻ còn bú thì chia ra nhiều cữ bú.
 
Nếu có đưa trẻ nhỏ đi bơi, đi biển vào mùa hè để "giải nhiệt" thì cũng cần chú ý giờ giấc, chọn thời điểm không quá lạnh cũng không quá nóng, trời mát tầm 16 giờ - 17 giờ là tốt nhất. Đồ tắm cho trẻ em nên là loại quần áo bơi dài như của người nhái, tắm không quá 30-40 phút, tắm 15-20 phút là lau khô, nghỉ ngơi 10-15 phút rồi tắm tiếp 15-20 phút.
 
Khi ở nhà cũng không nên cho bé tắm quá lâu, không tắm nhiều lần, không dầm nước, không nên tắm trễ quá 18 giờ, nếu tối mà còn quá nóng thì chỉ nên lau mình cho mát để trẻ dễ ngủ.
 
Tắm không đúng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em dễ cảm lạnh mùa này, chưa kể tăng nguy cơ các bệnh do virus vì khi nhiễm lạnh thì sức đề kháng giảm. Ngoài ra, nên bảo đảm phòng ngủ thoáng mát, máy lạnh để 27 độ C là tốt nhất, nếu dùng quạt thì không được quạt trực tiếp vào bé. Khi đi từ ngoài vào phòng máy lạnh nên giữ ấm thời gian đầu để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
 
Nóng, tia cực tím cùng lúc tác động ở TP HCM
 
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết: "Dù mưa trái mùa đã xuất hiện, tuy nhiên TP HCM vẫn nắng nóng gay gắt từ sáng đến tối".
 
Theo đó, thời tiết tại TP trong thời gian này luôn có biên độ nhiệt cao. Từ 7 giờ đến hơn 17 giờ, gần như ai ra đường đều cảm nhận độ nóng bừng rất khó chịu. Nguyên nhân là áp cao cận nhiệt đới nâng trục lên phía Bắc và có trục qua Bắc Trung Bộ hoạt động mạnh. Nhiệt độ cao nhất ở các điểm nắng nóng sẽ dao động từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Thời gian có nhiệt độ đạt trên 35 độ C xuất hiện từ 11 giờ đến 15 giờ.
 
Về tia cực tím, trong 3 ngày tới (từ 27-3), chỉ số UV luôn ở mức cao gây hại cơ thể. Khung giờ từ 11 giờ đến 14 giờ, chỉ số UV trong ngày đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (9-11, dưới mức 5 mới là an toàn).
 
L.Phong
 
ANH THƯ - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe